Quốc hội ban hành nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021

Tin tức - Ngày đăng : 16:14, 30/04/2021

Nghị quyết nêu rõ các cơ quan cần tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 161/2021/QH14 về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội cơ bản tán thành kết quả đã đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được nêu trong các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội khẳng định trong nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt vào những năm cuối của nhiệm kỳ, thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến sự phát triển của đất nước, nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự quan tâm, tin tưởng của cử tri, nhân dân, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không ngừng nỗ lực, đổi mới, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Nghị quyết nêu rõ trong thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm, kết quả đạt được, tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại.

Quốc hội kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; tăng cường gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân; nâng cao hiệu quả các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri; chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục xây dựng Quốc hội điện tử.

Chủ tịch nước tiếp tục phát huy vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; đẩy mạnh xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước thúc đẩy quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta, tạo sự tin cậy chính trị ổn định, bền vững với các đối tác nước ngoài; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, đặc xá và thi đua, khen thưởng.

Gắn phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với các giải pháp toàn diện, hiệu quả, mang tính đột phá, khả thi để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.

Chính phủ xây dựng và thực hiện tốt hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả giảm nghèo bền vững; phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Chính phủ khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trọng dụng nhân tài, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ dựa trên thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch và ổn định của hệ thống pháp luật.

Chính phủ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Chính phủ đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; quyết liệt thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương; thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng để xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, công bằng, nghiêm minh, hiện đại; tuân thủ chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng; tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết vụ án, vụ việc, phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, đủ năng lực, bản lĩnh, bảo đảm số lượng biên chế để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện pháp luật, hệ thống chuẩn mực, quy trình về hoạt động kiểm toán nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán nhà nước; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan.

Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; giữ vững ổn định chính trị; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo TTXVN