Hiểm họa mái tôn trong mùa mưa bão

Kinh tế - Ngày đăng : 11:01, 03/05/2021

Sử dụng tôn để lợp mái ngày càng phổ biến. Nếu không được kiểm tra và gia cố thường xuyên, các tấm tôn có thể trở thành hiểm họa, nhất là trong mùa mưa bão.


Mái tôn được sử dụng phổ biến ở nhiều công trình xây dựng vì tính tiện dụng và giá rẻ

Phổ biến

Hiện nay, mái tôn được người dân mua và sử dụng phổ biến ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Loại vật liệu này được ưa chuộng để lợp mái, nhất là những căn nhà cấp 4 ở các làng quê. Giá tôn rẻ, nhiều ưu điểm vượt trội như chống cháy, chống nóng tốt, độ bền từ 10 - 20 năm, tùy vào độ dày của tôn. Mái tôn được sử dụng linh động, tháo dỡ dễ dàng, sửa chữa nhanh chóng, không mất nhiều thời gian và công sức.

Giống nhiều gia đình khác, anh Phạm Văn Tăng ở thôn An Lương, xã An Lâm (Nam Sách) đã lựa chọn tấm tôn để sửa chữa căn nhà 2 tầng đã xuống cấp của mình. Do trần nhà có dấu hiệu rạn nứt và thấm nước, anh thuê thợ dựng thêm khung sắt để làm mái tôn rộng gần 100 m2. Sau hơn 5 năm sử dụng, một phần khung sắt và mái tôn đã bị han gỉ, mái tôn có nhiều lỗ thủng do bị ăn mòn. Dù vậy, anh Tăng khẳng định sử dụng mái tôn tương đối an toàn do ốc vít được cố định vào xà gồ nên dông, lốc khó có thể làm lật mái. Phần bị han gỉ chỉ ở bên ngoài không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của vật liệu.
​​​​​​
Mái tôn cũng là lựa chọn số 1 của nhiều xưởng sản xuất. Hầu hết các nhà xưởng được thiết kế, xây dựng bằng khung thép chịu lực, mái tôn cách nhiệt với diện tích hàng trăm m2. Nhiều nhà xưởng được xây dựng để cho thuê nên diện tích sản xuất không phù hợp. Các nhà xưởng này thường được cơi nới mở rộng diện tích nên phá vỡ kết cấu ban đầu, không bảo đảm an toàn.

Nguy cơ tiềm ẩn


Số ít nhà xưởng, công trình sử dụng bao cát, gạch để cố định phần mái trước mỗi cơn bão

Mái tôn có tính thẩm mỹ cao, giá rẻ nên được sử dụng phổ biến ở nhiều công trình xây dựng. Tuy có nhiều ưu điểm nhưng mái tôn vẫn ẩn chứa nhiều hiểm họa khôn lường. Tốc mái tôn là hiện tượng thường gặp vào mùa mưa bão. Trên địa bàn tỉnh, cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp nhà dân, trụ sở trường học bị tốc một phần mái tôn khi có bão lớn. Mặc dù chưa gây thiệt hại lớn về người và tài sản nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Do là loại vật liệu nhẹ, chất liệu bằng kẽm nên không chịu được những đợt gió bão mạnh. Những tấm mái tôn này rơi xuống có thể lao vào người đi đường, gây thương tích và làm hư hỏng phương tiện giao thông. Trong một số trường hợp, mái tôn có thể gây tử vong nếu bị rơi trúng vào người.

​​​​Ông Đỗ Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thuận HD ở TP Hải Dương, một đơn vị chuyên thi công tấm lợp tôn cho biết: "Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại tôn với giá cả và chất lượng khác nhau. Nhiều loại tôn mỏng, chất lượng kém nên khi đưa vào sử dụng dễ xảy ra sự cố. Trong những ngày dông bão, nếu mái của ngôi nhà không được vít chặt rất dễ bị cuốn khi có gió to. Vì đây là vật cản phẳng và rộng nên khi bị gió cuốn sẽ cực kỳ nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn, người dân nên mua tôn chính hãng và được thi công bởi đơn vị uy tín, bảo đảm chất lượng công trình; thường xuyên kiểm tra phần mái tôn để phát hiện sự cố và sửa chữa kịp thời".

Đã sắp bước vào mùa mưa bão nên việc bảo đảm an toàn cho mái tôn là cần thiết. Trước mỗi cơn bão, người dân cần kiểm tra lại mái tôn, ốc vít, gia cố các mối hàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho mái tôn như sử dụng bao cát, gạch để cố định mái nhà...

TRẦN HIỀN