Bộ Tài chính xử lý công ty chứng khoán lạm dụng tiền của khách hàng để huy động vốn

Kinh tế - Ngày đăng : 14:37, 05/05/2021

Bộ Tài chính yêu cầu các công ty chứng khoán dừng các hoạt động "biến tướng" huy động vốn từ khách hàng dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi...


Nhu cầu vay ký quỹ (margin) tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến công ty chứng khoán phải bổ sung vốn. Trong ảnh là nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán

Trong thông cáo báo chí trả lời "Về một số vấn đề được dư luận xã hội, báo chí quan tâm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong tháng 4", Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB, Công ty chứng khoán VNDirect báo cáo, giải trình nội dung phản ánh công ty đã "biến tướng" huy động vốn từ khách hàng dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi....

Bộ Tài chính cũng cho biết hiện đã có văn bản yêu cầu Công ty chứng khoán MB dừng thực hiện dịch vụ trên. Đối với Công ty chứng khoán VNDirect, bộ sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán.

Trước đó, trong bối cảnh thanh khoản thị trường tăng vọt, nhiều công ty chứng khoán bị "căng cứng" khi nhu cầu sử dụng dịch vụ ký quỹ (margin) của nhà đầu tư mới tăng mạnh. Một số công ty chứng khoán đã tạo ra hình thức "hợp tác đầu tư" với các khách hàng có tiền nhàn rỗi, để dùng tiền này mang bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Cách làm này giúp có tiền liền, nhanh hơn so với việc chờ huy động theo cách truyền thống, như nếu chờ trình đại hội cổ đông thì phải mất nhiều tháng tiền mới thực sự về.

"Có thể dễ hiểu là lấy tiền nhàn rỗi của khách hàng này rồi đem cho khách khác vay. Bên cho vay thu lãi, bên vay có tiền đầu tư, còn công ty chứng khoán ăn hoa hồng trung gian", một lãnh đạo công ty chứng khoán giải thích.

Theo đó, những khách có tiền trong tài khoản chứng khoán nhưng không có nhu cầu mua bán cổ phiếu thì không cần rút tiền ra ngoài, mà có thể đưa cho công ty chứng khoán mang đi cho vay, nhận về lãi suất tới 8,5%/6 tháng, có thể lên tới 10%/năm, hấp dẫn hơn hẳn mức lãi nhiều ngân hàng đang áp dụng. Khi có nhu cầu, nhà đầu tư giao dịch ngay mà không chuyển tiền từ ngân hàng vào.

"Rủi ro ở đây là khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư đi vay bị cháy, thua lỗ tài sản, các công ty chứng khoán, đặc biệt là những công ty có vốn điều lệ "mỏng", sẽ khó khăn trong việc hoàn trả tiền cho khách hàng cho mượn", lãnh đạo một công ty chứng khoán (đề nghị không nêu tên) đánh giá.

Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức

Theo Luật các tổ chức tín dụng hiện hành, chỉ các ngân hàng mới được phép thực hiện huy động vốn ngắn hạn từ cá nhân.

Luật chứng khoán 2019 cũng quy định rõ các công ty chứng khoán chỉ được phép thực hiện 4 dịch vụ gồm: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại.

Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo Tuổi trẻ