Nhà hàng, quán ăn chủ động phòng dịch
Kinh tế - Ngày đăng : 18:41, 06/05/2021
Nhà hàng Thảo Dinh (thị trấn Tứ Kỳ) xếp gọn bàn ghế, tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19
Tuân thủ quy định
Ngày 5.5, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1539/UBND-VP về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các quán ăn uống trong chợ, vỉa hè đều phải tạm dừng hoạt động. Các nhà hàng, cơ sở ăn uống phải chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Ngày 5.5, Hải Dương ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 sau 40 ngày không có ca bệnh. Trong đó, huyện Tứ Kỳ có 1 trường hợp là bệnh nhân 3002 ở thị trấn Tứ Kỳ. Do đã có kinh nghiệm trong những đợt dịch trước nên huyện đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng dịch. Từ người dân cho đến chủ các cơ sở kinh doanh ăn uống đều chủ động ứng phó, nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Sáng 6.5, hầu hết các quán ăn uống trong chợ, quán ăn uống vỉa hè ở thị trấn Tứ Kỳ đều tạm dừng hoạt động. Trong khi ngày thường, nơi đây tập trung rất nhiều học sinh đến ăn uống do gần trường học. Chị Mạc Tiểu Yến, chủ một quán ăn trong chợ Yên ở thị trấn Tứ Kỳ cho biết: “Sau khi nhận được thông báo tạm dừng hoạt động của quán ăn trong chợ, tôi đã dừng bán và thu dọn đồ đạc, rửa sạch bát đũa, xoong nồi cất đi. Chúng tôi sẽ chỉ mở bán trở lại khi được phép”.
Quán bán chè ở thị trấn Tứ Kỳ chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ
Ngoài các biện pháp do UBND tỉnh yêu cầu, để nâng cấp độ phòng chống dịch Covid-19, ngày 6.5 UBND TP Hải Dương yêu cầu tạm dừng hoạt động của các quán ăn sáng, ăn đêm phục vụ tại chỗ. Chỉ bán cho khách mang về và bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch. Các nhà hàng, quán ăn uống khác được phép hoạt động đến 21 giờ nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19... Thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 7.5. Nhanh chóng nắm được thông tin này, nhà hàng Nam Việt đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Nhân viên nhà hàng thường xuyên vệ sinh, lau chùi bàn ghế, cửa và phun khử khuẩn khu vực công cộng. Tại cửa ra vào, nhà hàng chuẩn bị nước sát khuẩn cho khách hàng. Khách hàng được sắp xếp ăn trong các phòng riêng, khi hết phòng riêng mới bố trí ăn tại khu vực chung. Các bàn ăn bảo đảm khoảng cách theo quy định nhằm hạn chế tiếp xúc giữa khách hàng.
Các cửa hàng kinh doanh ăn uống tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) đã đóng cửa
Tại huyện Nam Sách, dù chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nhưng hầu hết các quán vỉa hè, quán ăn trong chợ đều tuân thủ quy định dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Ấm, một tiểu thương kinh doanh hàng ăn sáng ở chợ thị trấn Nam Sách cho biết: "Khi nhận được thông báo của thị trấn đóng cửa hàng ăn, chúng tôi đều chấp hành nghiêm chỉnh. Việc này là cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho mình và cả cộng đồng".
Bên cạnh những trường hợp tuân thủ nghiêm các quy định thì vẫn còn số ít trường hợp ở TP Hải Dương lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Cạnh khu vực cây xăng ở ngã tư đường cầu Hàn giao với quốc lộ 5, quán trà đá vẫn còn hoạt động. Thay vì bán ở vỉa hè như trước thì quán này bày hàng ở trong nhà, khách ngồi đông ở vỉa hè, không bảo đảm khoảng cách. Việc không tuân thủ quy định phòng chống dịch hoặc làm theo kiểu đối phó có thể là nguyên nhân khiến dịch Covid - 19 lan rộng và mất kiểm soát.
Dù bị cấm nhưng một vài quán vỉa hè ở TP Hải Dương vẫn bán hàng
Chấp nhận thiệt hại
Mặc dù vẫn được phép hoạt động nhưng nhà hàng Thảo Dinh của anh Đào Văn Liêm ở thị trấn Tứ Kỳ vẫn dừng bán từ sáng 5.5. Do lần này xuất hiện ca bệnh trong thị trấn nên anh đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Anh Liêm cho biết: “Đặc thù nhà hàng là tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ cao lây lan dịch. Tôi luôn thực hiện phương châm ''phòng bệnh hơn chữa bệnh'' nên đã dừng hoạt động, chấp nhận thua lỗ do vẫn phải chi phí thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, tiền điện, nước...''.
Nhân viên nhà hàng Nam Việt (TP Hải Dương) thường xuyên lau chùi, vệ sinh bàn ghế
Đại diện chủ nhà hàng Nam Việt (TP Hải Dương) cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ý thức của người dân cũng được nâng cao hơn nên số lượng người đến ăn uống tại nhà hàng giảm đi đáng kể. Nếu trước đây khi chưa có dịch, nhà hàng lúc nào cũng đông đúc, thậm chí phải từ chối đơn của khách thì những đợt dịch gần đây đều không có khách. "Doanh thu gần như không có trong khi vẫn phải chi phí trả tiền thuê nhân viên, điện nước, tiền trả lãi suất ngân hàng... Tuy vậy, chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của tỉnh. Mong dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để các hoạt động sớm trở lại bình thường''.
PV