Học thế nào để đạt kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:29, 08/05/2021
Theo khung chương trình năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chỉ còn gần 1 tháng nữa, học sinh trên cả nước sẽ phải hoàn thành nội dung năm học 2020-2021. Đây cũng là thời điểm các địa phương chuẩn bị tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng chục địa phương trên cả nước đã buộc phải cho học sinh dừng đến trường, chuyển sang học online. Lo lắng là tâm trạng của nhiều học sinh cuối cấp THCS chuẩn bị thi vào lớp 10.
Phân bổ thời gian hợp lý
Chia sẻ về phương pháp ôn tập cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, cô Nguyễn Thanh Thủy, giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng hiện tại, thời gian ôn tập không còn nhiều, trước tiên, mỗi học sinh cần tự lên kế hoạch ôn tập riêng cho mình theo quỹ thời gian của bản thân. Kế hoạch càng cụ thể càng tốt. Có thể chia các nội dung ôn tập của các bộ môn theo từng tuần, thậm chí theo từng ngày.
“Các em cũng cần quyết tâm thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ với môn văn cần học thuộc các văn bản thơ, tóm tắt các văn bản truyện, nắm được hoàn cảnh sáng tác, thể loại các văn bản.... Thời gian biểu phải hợp lí để tránh việc học bị chồng chéo. Cũng cần phân bổ thời gian học, chơi, giải trí phù hợp để giữ gìn sức khỏe, ổn định tâm lý.
Các em cũng cần tuân thủ nguyên tắc không học tủ, học vẹt, học đối phó. Khối lượng kiến thức các em học, ôn được không chỉ là hành trang để bước vào các kỳ vượt vũ môn mà còn phục vụ cho quá trình học tập và cuộc sống sau này”, cô Thủy nói.
Cô Nguyễn Thanh Thủy (bên phải) lưu ý thí sinh không nên học tủ, học vẹt khi ôn thi vào lớp 10. Ảnh: Giáo dục thời đại
Cô Nguyễn Thanh Thủy cũng lưu ý nếu trước ngày thi còn băn khoăn, lo lắng về kỳ thi, các em có thể trao đổi, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ để vững vàng tâm lý và kiến thức, tự tin chinh phục các bài thi, đạt được kết quả như nguyện vọng.
Không học tủ, học thêm tràn lan
Cô Nguyễn Thanh Thủy cho biết trước các kỳ thi, học sinh thường hỏi kinh nghiệm của các anh chị khóa trước, nhiều em có suy nghĩ năm trước đã thi bài nào rồi, năm nay không thi nữa, đề thi học sinh giỏi đã thi rồi thì loại trừ bài đó trong kì thi vào lớp 10 hoặc đoán đề để học tủ dựa vào các vấn đề chính trị, văn hóa lớn trong năm...
Nhận thức này dẫn đến việc học tủ, ôn tủ vào một số bài, một số dạng và không bao quát được toàn bộ chương trình.
“Việc này rất nguy hiểm, khi việc học không thực chất, mang tính đối phó sẽ không thể hi vọng có được kết quả cao trong kì thi. Hơn nữa, việc học tủ sẽ không thể đem đến sự tự tin khi đi thi, dẫn tới tâm lí hoang mang, mất bình tĩnh khi bước vào dự thi, thậm chí có thể dẫn tới việc vi phạm qui chế thi nếu đề không “trúng tủ””, cô Thủy lưu ý.
Để tránh tâm lí chủ quan, học đối phó, học tủ trong học sinh, cô Thủy cho rằng mỗi giáo viên vẫn cần giúp học sinh nhận thức đúng đắn về vấn đề này, thấy được tác hại nghiêm trọng của việc học tủ để học sinh tự tránh không mắc phải.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tránh việc ôn tập chỉ chú trọng vào dạy một số bài được cho là trọng tâm mà cần có sự khái quát tổng thể nội dung chương trình, ôn luyện cho học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản, tránh dạy để học sinh chỉ học thuộc theo kiểu học vẹt... Thầy cô cần hướng dẫn học sinh các kĩ năng, các phương pháp làm bài ở các dạng để học sinh có thể linh hoạt vận dụng trong việc giải quyết các bài tập.
Gần ngày thi, không ít thí sinh đang miệt mài ôn luyện tại các lò luyện thi từ trực tiếp đến trực tuyến. Cô Nguyễn Thanh Thủy cho rằng việc học thêm ngoài học chương trình chính khóa ở trường không phải là yếu tố quyết định học sinh sẽ thi đỗ hay không. Điều quan trọng nhất là sự tự giác, khả năng học tập và đặc biệt trong thời gian dịch bệnh hiện nay, khả năng tự học của học sinh mới mang tính quyết định. Bởi phạm vi kiến thức không nằm ngoài chương trình học, nội dung kiến thức cơ bản theo đúng chuẩn kiến thức và chuẩn kĩ năng đã đề ra. Đề thi không đánh đố, không nâng cao mà bảo đảm phân loại học sinh. Vì thế, các bậc cha mẹ học sinh cần lưu ý các con nắm vững các kiến thức cơ bản, làm các dạng bài tập để rèn luyện kĩ năng và đăng kí nguyện vọng dự thi phù hợp với khả năng học tập của con, điều kiện của gia đình.
“Bản thân tôi thường trao đổi, trò chuyện để giúp học sinh nhận thức đúng khó khăn của các em khi vừa nghỉ ở nhà để phòng chống dịch, vừa ôn thi, coi đây không phải là khó khăn riêng của ai mà là của tất cả các bạn học sinh khối 9 năm nay, giúp các em ổn định tâm lý, quyết tâm khắc phục khó khăn.
Đồng thời, tôi xác định với các em đây cũng là cơ hội để rèn luyện có được các kĩ năng, năng lực, phẩm chất như tự học, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác... từ đó hình thành động lực trong việc học tập.
Các em cũng phải nhận thấy rằng để đạt kết quả cho kì thi vào lớp 10 sắp tới, việc ôn thi không thể là việc làm đối phó, qua loa. Học sinh và phụ huynh học sinh phải biết rõ thực chất khả năng mới có thể đăng kí nguyện vọng phù hợp”, cô Thủy nhấn mạnh.
Phụ huynh là chỗ dựa lớn nhất để con vượt qua kỳ thi
Giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự cũng cho rằng trong mỗi kỳ thi, phụ huynh học sinh luôn giữ vai trò quan trọng và không thể thay thế. Phụ huynh học sinh góp phần bảo đảm cho học sinh có được sự an toàn và sức khỏe khi ôn thi trong mùa dịch. Các bậc cha mẹ cũng là người giúp học sinh có đầy đủ các phương tiện, đồ dùng, thiết bị để thuận lợi khi tham gia học trực tuyến.
Trước mùa thi, cô Thủy cho rằng các bậc phụ huynh nên bảo đảm cho các con một không gian học tập yên tĩnh và bảo đảm thời gian theo thời khóa biểu của nhà trường, hỗ trợ việc học ôn cho các con bằng nhiều hình thức như kiểm tra truy bài, giảng bài, hướng dẫn phương pháp học tập…
Thời điểm này, phụ huynh học sinh còn phải đặc biệt quan tâm quản lí việc học của các con qua việc phối kết hợp với nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để từ đó kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho con em mình. Nhất là với những học sinh còn thiếu ý thức tự giác khi học và ôn tập kiến thức cho kỳ thi. Có thể nói, phụ huynh học sinh là động lực, là chỗ dựa tinh thần lớn nhất để học sinh thấy được trách nhiệm của mình mà cố gắng học tập và vững tâm bước vào kỳ thi.
Theo VOV