Cách lựa chọn công ty phái cử uy tín
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 20:09, 08/05/2021
Lao động Việt Nam học ngoại ngữ trước khi xuất cảnh
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉ lệ thất nghiệp của các bạn trẻ đang tăng lên khá cao. Trong bối cảnh đó, chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là đi Nhật Bản, là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng này. Hiện số lượng công ty phái cử được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này là 517.
Người lao động bị nhiễu thông tin
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty phái cử khiến cho người lao động (NLĐ) bị lạc giữa một rừng thông tin, khó lựa chọn đúng công ty phù hợp với nhu cầu bản thân. Một số công ty phái cử cạnh tranh không lành mạnh đã tìm cách đưa những thông tin quảng cáo không đúng với thực tế khiến NLĐ hiểu sai về chương trình.
Mỗi công ty phái cử đều có cách tư vấn thông tin chương trình làm việc tại Nhật Bản khác nhau tùy thuộc vào định hướng của doanh nghiệp và năng lực, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên tư vấn. NLĐ hoàn toàn có thể dựa trên những thông tin sau để phân biệt đâu là công ty phái cử uy tín.
Đầu tiên là mô thức 2T, gồm T1 (thời gian tham gia chương trình) và T2 (số tiền phải đóng). Đối với chương trình chính quy, T1 thường kéo dài khoảng 6-8 tháng tính từ lúc đăng ký tham gia, khám sức khỏe, học tiếng Nhật trước phỏng vấn, phỏng vấn với nghiệp đoàn và công ty Nhật Bản, nhận kết quả trúng tuyển chính thức, học tiếng Nhật nâng cao và xuất cảnh.
Tuy nhiên, một số công ty vì cạnh tranh không lành mạnh đã cố tình bóp méo thông tin, tư vấn rút ngắn thời gian chương trình lại còn khoảng 3-4 tháng. Nghiêm trọng hơn, một số cá nhân lợi dụng vị trí đang công tác tại các công ty để đề nghị NLĐ chi thêm tiền môi giới nhằm cắt giảm thời gian tham gia chương trình. Tuy nhiên, với tâm lý muốn đi nhanh, không ít NLĐ sẵn sàng đi theo các lời mời gọi này. Chính vì vậy, khi nghe tư vấn về thời gian tham gia, NLĐ hãy đối chiếu với mô thức T1 để xác định công ty nào uy tín.
Về T2 - số tiền phải đóng, ngoài mức phí xuất cảnh theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, NLĐ thường tốn thêm các chi phí như làm hộ chiếu, khám sức khỏe (2-3 lần) trong quá trình tham gia, chi phí học ngoại ngữ, đi lại, ký túc xá và ăn uống. Các công ty phái cử thường chia phí xuất cảnh ra khoảng 4-6 lần thu. Ví dụ như đầu tiên sẽ thu phí khám sức khỏe (đóng lại cho bệnh viện), sau khi có kết quả sức khỏe đạt sẽ thu phí học tiếng Nhật. Trong quá trình học và phỏng vấn sẽ thu phí đặt cọc phỏng vấn, sau khi phỏng vấn trúng tuyển chính thức sẽ thu bổ sung một phần phí xuất cảnh, chi phí xuất cảnh còn lại, các công ty sẽ thu khoảng 2-3 tuần trước khi NLĐ lên máy bay.
NLĐ cần lưu ý 2 vấn đề: Một là, tổng số chi phí đóng cho công ty phái cử phải phù hợp với quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; hai là, NLĐ chỉ đóng các khoản tiền tiếp theo khi đã nhận thông báo đạt kết quả khám sức khỏe từ bệnh viện và theo quy trình 4-6 bước nêu trên. Nếu NLĐ thấy nghi ngờ về thông tin tổng mức phí mà công ty phái cử đưa ra thì phải tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác nhau để có quyết định đúng đắn.
4T cho thông tin ở Nhật Bản
Tiếp theo là về mô thức 4T cho những thông tin tư vấn về quá trình NLĐ ở Nhật Bản. Đó là T3 (Tiền nhận được khi làm việc ở Nhật), T4 (Tiếng Nhật trước khi xuất cảnh và khi đã sang Nhật), T5 (Tay nghề khi sang Nhật) và T6 (Tác phong khi làm việc với người Nhật).
Với T3, khi tham gia chương trình đi làm việc ở Nhật Bản một cách chính quy, NLĐ sẽ nhận được tiền lương cơ bản trung bình từ 130.000-150.000 yen/tháng (tương đương 27-32 triệu đồng), cộng thêm phụ cấp, tăng ca, tiền thưởng. Sau khi trừ các chi phí như tiền thuế, bảo hiểm, ăn uống, nhà ở, sinh hoạt phí, mỗi tháng NLĐ sẽ giữ lại hoặc gửi về gia đình khoảng 20-25 triệu đồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng về nước, NLĐ sẽ được Chính phủ Nhật Bản chi trả lại các khoản tiền bảo hiểm đã đóng (còn gọi là tiền Nenkin, chia làm 3 đợt nhận) khoảng 80-100 triệu đồng.
Tuy nhiên, một số công ty đã lợi dụng NLĐ thiếu thông tin để thổi phồng mức lương lên đến 50-60 triệu đồng/tháng khiến NLĐ mắc bẫy, lao vào bất chấp ngành nghề. Hoặc một số cá nhân cố tình thông tin sai rằng sau khi đi Nhật về nước, công ty của cá nhân đó sẽ trả lại một số tiền khoảng 80-100 triệu đồng (thay vì nói rõ đây là khoản tiền bảo hiểm NLĐ được nhận). T3 sẽ là một trong những mô thức quan trọng nhất để NLĐ nhận ra công ty tư vấn có thật sự chất lượng và trách nhiệm hay không.
Với T4, những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy trình đào tạo 2 giai đoạn sẽ giúp NLĐ trước khi xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc đã có vốn tiếng Nhật tương đương N5. Sau thời gian làm việc, NLĐ hoàn toàn có thể chủ động học tập, trau dồi thêm trình độ tiếng Nhật. Đặc biệt, với chính sách truyền bá tiếng Nhật cũng như văn hóa Nhật Bản, ở mỗi địa phương tại Nhật Bản đều có các lớp tiếng Nhật xã hội hóa, có thể miễn học phí để giúp NLĐ học thêm tiếng Nhật. Sau khi về nước, phần lớn lao động Việt Nam đã có thể đạt được chứng chỉ N3 tiếng Nhật.
Với T4, NLĐ cần cảnh giác với những công ty cố tình tư vấn rút ngắn thời gian học tiếng Nhật vì nhiều lý do khác nhau.
T5 là một trong những nội dung quan trọng nhất về ngành nghề làm việc mà NLĐ dễ lựa chọn sai lầm do thiếu thông tin. Đối với lao động nam, đa phần các bạn sẽ làm việc tại các xưởng cơ khí (tiện, hàn, phay, bào, đúc, dập, gia công, sơn, điện...), xây dựng, nông nghiệp. Đối với lao động nữ, các bạn sẽ làm việc tại các xưởng chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử, xưởng may, dệt, đóng gói sản phẩm, gia công cơ khí... NLĐ hoàn toàn chủ động lựa chọn ngành nghề và lựa chọn phỏng vấn với xí nghiệp tiếp nhận ở Nhật dựa trên nhu cầu bản thân. Tránh những tình huống một số cá nhân, công ty lợi dụng NLĐ thiếu thông tin sẽ tư vấn rằng muốn đi ngành nghề tốt phải chi trả thêm một số tiền ngoài quy định. T5 sẽ là mô thức hiệu quả để NLĐ sử dụng trong suốt quá trình học và phỏng vấn với các công ty Nhật.
Học tính kỷ luật của người Nhật
Và cuối cùng là T6 - tác phong khi làm việc với người Nhật. Người Nhật đã nổi tiếng toàn thế giới với tác phong, kỷ luật rất nghiêm ngặt kể cả trong công việc cũng như cuộc sống. Vì thế, NLĐ Việt Nam cần tập làm quen dần với những điều đó ngay từ khi ở Việt Nam. Hiện nay một số công ty đã bỏ qua vấn đề này khiến cho NLĐ bị bỡ ngỡ hoàn toàn khi đặt chân sang một đất nước có tác phong làm việc kỷ luật như Nhật Bản.
Theo Người lao động