Vụ Nhật Cường: Các bị cáo câu kết hình thành đường dây buôn lậu lớn

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 17:07, 10/05/2021

Từ tháng 1.2014 đến tháng 5.2019, Bùi Quang Huy đã chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên Công ty Nhật Cường thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm...


Các bị cáo nghe Tòa tuyên án

Sau gần một tuần xét xử, chiều 10.5, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).

Hội đồng xét xử nhận định, từ tháng 1.2014 đến tháng 5.2019, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đã trực tiếp và chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên Công ty Nhật Cường thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm gồm: điện thoại di động, máy tính, máy nghe nhạc, đồng hồ thông minh... có tổng trị giá thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hong Kong (Trung Quốc).

Sau đó, Bùi Quang Huy đã trực tiếp hoặc chỉ đạo các bị cáo trong vụ án này liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây thu gom và vận chuyển trái phép số hàng hóa trên từ Trung Quốc về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ.

Trong đó, nhà cung cấp “Công ty Miền Tây” do Ngô Xuân Sử đại diện đã bán trái phép cho Bùi Quang Huy tổng số 606 đơn hàng với 84.000 sản phẩm, tổng trị giá hơn 426 tỷ đồng; Đỗ Văn Hùng, đại diện nhà cung cấp “Anh Hung HP” đã bán trái phép cho Bùi Quang Huy tổng số 162 đơn hàng với 13.220 sản phẩm, tổng trị giá hơn 98 tỷ đồng và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, giúp sức cho Bùi Quang Huy buôn lậu tổng số 52.811 sản phẩm, tổng trị giá 307 tỷ đồng.

Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã hợp thức hóa, tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm nêu rõ: Cũng từ khoảng tháng 1.2014, Bùi Quang Huy đã thiết lập hai hệ thống sổ sách phần mềm kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường; chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Tài chính và Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên 2 hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA. Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập... chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các Báo cáo thuế, Báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Tòa cấp sơ thẩm đánh giá, hai bị cáo: Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng đều là những người được đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ tài chính, kế toán; đã nhiều năm làm việc tại Công ty Nhật Cường với nhiệm vụ kế toán và lần lượt được bổ nhiệm làm Giám đốc Tài chính và Kế toán trưởng từ trước năm 2014.

Các bị cáo thừa hiểu và biết rõ Công ty Nhật Cường ghi nhận hoạt động kinh doanh trên những hệ thống sổ sách, phần mềm nào. Mỗi bị cáo có thể chỉ sử dụng một phần mềm để làm việc nhưng các số liệu có trong mỗi phần mềm các bị cáo đều nắm rõ khi cần sử dụng.

Với tư cách là Giám đốc Tài chính, quản lý dòng tiền trong công ty, Nguyễn Bảo Ngọc phải được báo cáo hoặc thông qua những số liệu được sử dụng để báo cáo thuế và báo cáo tài chính với cơ quan nhà nước trước khi được số hóa gửi đi; bị cáo biết rõ công ty có doanh thu thực tế bao nhiêu và đã nộp thuế bao nhiêu.

Hội đồng xét xử nhấn mạnh, đây là vụ đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong Công ty Nhật Cường; giữa các bị cáo của Công ty Nhật Cường với các đối tượng là các nhà cung cấp, các đường dây vận chuyển; giữa các bị cáo trong các đường dây cung cấp, vận chuyển với nhau trong việc thực hiện hành vi phạm tội với những khâu, đoạn, mắt xích quan trọng.

Trong đó, Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu tại Công ty Nhật Cường. Bùi Quang Huy chỉ đạo các bị cáo trong vụ án tham gia đồng phạm giúp sức thực hiện tội phạm, trực tiếp vận chuyển trái phép hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, giúp sức cho Bùi Quang Huy buôn lậu.

Vu Nhat Cuong: Cac bi cao cau ket hinh thanh duong day buon lau lon hinh anh 1
Quang cảnh buổi tuyên án các bị cáo

Để thực hiện hành vi buôn lậu nêu trên các bị cáo đã kết nối, liên kết, thông tin, liên lạc với nhau thông qua các ứng dụng mạng xã hội, chủ yếu là thông qua ứng dụng mạng xã hội WhatsApp và WeChat.

Hành vi của các bị cáo lặp đi lặp lại nhiều lần, trong một khoảng thời gian dài (đưa hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ (trái phép) từ nước ngoài về Việt Nam không thông quan, không nộp thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ...) nên các bị cáo đều hiểu rõ đó là hàng hóa gì, có hợp pháp hay không.

Vi phạm của các bị cáo là một chuỗi các mắt xích liên kết với nhau, từ người lãnh đạo đề ra chủ trương, ý tưởng, chỉ đạo, triển khai trên toàn hệ thống, từ Tổng Giám đốc đến Phó Tổng Giám đốc, đến các bộ phận của công ty và đến các nhánh thu mua, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam.

Mỗi bị cáo đều tham gia vào một hay nhiều công đoạn trong quá trình đó với tính chất, mức độ hành vi và để lại hậu quả khác nhau. Cụ thể hành vi của từng bị cáo như sau:

Bị cáo Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường được Bùi Quang Huy giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh và theo dõi, quản lý hàng hóa mua vào bán ra. Thực hiện chỉ đạo của Bùi Quang Huy, Ánh trực tiếp giao dịch mua bán với 12 nhà cung cấp và các đường dây vận chuyển để đưa hàng về Việt Nam. Trong vụ án này Trần Ngọc Ánh giữ vai trò tích cực nhất, chỉ sau Bùi Quang Huy.

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc được Bùi Quang Huy giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi thu, chi toàn bộ hoạt động kinh doanh tại công ty Nhật Cường. Ngọc lên các đơn hàng nhập lậu, theo dõi và thanh toán toàn bộ tiền mua hàng nhập lậu cho 16 nhà cung cấp và cho 9 nhà vận chuyển.

Nguyễn Bảo Ngọc thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh buôn lậu và cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về việc mua bán trái phép 2.502 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm, tổng trị giá hơn 2.927 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc và bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường, đã ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng.

Theo TTXVN