Chủ động giăng lưới ''bắt giặc'' COVID-19
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 13:30, 11/05/2021
Người dân, tiểu thương ở chợ Thái Bình (TP Hồ Chí Minh) đều tự nguyện đến xét nghiệm
Đây là hành động cho thấy các địa phương đã chủ động tầm soát, truy vết sớm một bước trước khi phát hiện các ca nhiễm và là một cách chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công mà Thủ tướng Phạm Minh Chính mới nêu ra trong đợt dịch này.
TP Hồ Chí Minh truy vết, khoanh vùng sớm một bước
Nhận định tình hình dịch đợt này phức tạp hơn những lần trước, ngay trong ngày lễ 30.4, TP Hồ Chí Minh đã mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, khu du lịch, chợ, sân bay, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, khu chế xuất...
Đến sáng 10.5, TP Hồ Chí Minh đã lấy 12.753 mẫu và tất cả đều có kết quả âm tính bên cạnh việc lấy mẫu giám sát 1.499 người đến từ các tỉnh thành khác sau dịp nghỉ lễ. Tin vui là tất cả cũng đều có kết quả âm tính.
Theo ghi nhận của phóng viên, khi lực lượng nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên ở các điểm nguy cơ nêu trên tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân chưa hay chủ trương này đã tỏ ra lo lắng vì nghĩ có ca bệnh mới. Khi nhân viên y tế giải thích mục đích lấy mẫu xét nghiệm, họ đều an tâm và sẵn sàng hợp tác.
Nhiều người dân cho rằng nếu ca nhiễm cộng đồng được phát hiện vô tình qua việc đi khám bệnh hoặc từ truy vết F0 thì việc khoanh vùng có thể đã trễ, bị động, việc truy vết như "đuổi hình bắt bóng" thì việc chủ động xét nghiệm ngẫu nhiên này đã phần nào giải bớt những nỗi lo.
Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong chuyên khoa truyền nhiễm tại TP Hồ Chí Minh cho rằng việc xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên trong cộng đồng là cực kỳ cần thiết khi tình hình dịch "nóng bỏng" như hiện nay, giúp việc truy vết, khoanh vùng sớm hơn một bước, từ đó phát hiện sớm nguồn lây trong cộng đồng.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên trong cộng đồng thường áp dụng phương pháp test nhanh, mang ý nghĩa nghiên cứu dịch tễ học là chính, giúp đánh giá mức độ nhiễm bệnh của một cộng đồng, từ đó có phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp.
Vĩnh Phúc thực hiện "chiến lược đánh chặn"
Lần thứ hai trong vòng hơn một năm, tỉnh Vĩnh Phúc bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ngày 10.5, trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đến nay tỉnh đã truy được nguồn gốc của tất cả trường hợp F0 trước đó đã được khoanh vùng, cách ly theo "chiến lược đánh chặn", xét nghiệm ngẫu nhiên.
Ông Thành cho hay tỉnh đã có kinh nghiệm chống dịch trong đợt dịch đầu tiên năm 2020 là điều tra truy vết, đuổi theo dịch để dập dịch. "Tuy vậy với chủng virus Ấn Độ ở đợt dịch này, nếu chúng tôi vẫn thực hiện phương pháp điều tra truy vết thì sẽ không kịp vì tốc độ lây lan quá nhanh. Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thực hiện "chiến lược đánh chặn" để dập dịch hiệu quả hơn" - ông Thành nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ đạo của Bộ Y tế là xét nghiệm đến F1 nhưng Vĩnh Phúc đã báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chuyển sang xét nghiệm cả trường hợp F2 và cả những người có nguy cơ lây nhiễm cao, những trường hợp trong cộng đồng ở khu dân cư gần với F0, ở các chợ, trung tâm siêu thị, các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao... Như vậy, số người được xét nghiệm sẽ tăng lên gấp nhiều lần và sẽ không bị bỏ lọt các ca nhiễm.
"Mục đích chúng tôi xét nghiệm như trên là để "giăng lưới" bao vây, khoanh vùng, đánh chặn, phát hiện sớm nhất các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm để đưa đi cách ly" - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ. Đặc biệt, từ ngày 1.5, tỉnh đã thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên cho bác sĩ, bệnh nhân, người nhà...
"Những nơi được gọi là có nguy cơ lây nhiễm cao, tất cả những người tham gia chống dịch, tất cả các bệnh viện, các khu dân cư gần với F0, các trường hợp F2 đều được xét nghiệm" - ông Thành nhấn mạnh.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định đẩy nhanh tốc độ rà soát. Theo ông Thành, để triển khai được biện pháp trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng công suất xét nghiệm lên 5 lần, và dự kiến sắp tới sẽ tăng công suất xét nghiệm từ 5 đến 10 lần.
Khi phát hiện F0, chậm nhất là 2 giờ sau phải lập chốt kiểm dịch, cách ly y tế khu dân cư nơi F0 sinh sống và chậm nhất là 10 giờ sau phải có kết quả xét nghiệm được hết F1, thay vì trước đây các F1 có thể có kết quả từ 1 đến 2 ngày sau.
Xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội
Đánh giá được nguy cơ dịch
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ từ ngày 7.5 Hà Nội đã triển khai lấy 15.000 mẫu ở các khu vực nguy cơ cao như trước cổng Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, các bến xe, chợ đầu mối, khu công nghiệp... Đây là đợt lấy mẫu chủ động kế tiếp, sau khi Hà Nội đã xét nghiệm chủ động cho 25.000 nhân viên y tế và hàng ngàn bệnh nhân, thuộc nhóm nguy cơ cao thời gian vừa qua.
"Trong đợt lấy mẫu chủ động mới nhất, chúng tôi đã kiểm tra trước 150 mẫu khu vực trước cổng Bệnh viện K và 500 mẫu xung quanh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Tất cả các mẫu này đều âm tính, cho thấy dịch vẫn khu trú tại một số khu vực trong bệnh viện chứ chưa xâm nhập vào cộng đồng lân cận" - ông Hạnh cho biết.
Theo ông Trần Đắc Phu, chuyên gia cao cấp của Văn phòng đáp ứng phòng chống dịch khẩn cấp Bộ Y tế, Đà Nẵng cũng triển khai lấy mẫu chủ động khá rộng trong cộng đồng dân cư, Bắc Giang khi phát hiện ổ dịch cũng đã lấy mẫu rộng, Bệnh viện K đã xét nghiệm rộng rãi toàn bệnh viện... "Khi xét nghiệm rộng rãi sẽ đánh giá được nguy cơ dịch, là chủ động phòng chống chứ không phải khi có ca bệnh mới truy vết, xét nghiệm" - ông Phu nhận định.
Bài học xét nghiệm song song ở Đà Nẵng
Đà Nẵng từng triển khai xét nghiệm diện rộng theo hộ gia đình bằng cách gộp mẫu, giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn hiệu quả
Ở giai đoạn đầu trong đợt đẩy lùi dịch COVID-19 bùng phát đợt 2 năm ngoái, do tính cấp thiết và cần độ chính xác cao nên Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm ngay riêng lẻ để kịp thời truy vết F1 để đưa đi cách ly.
Tuy nhiên tới đầu tháng 8-2020, khi số lượng ca mắc tăng cao, nhu cầu đẩy nhanh truy vết đang cấp thiết, Đà Nẵng phải dùng hình thức xét nghiệm gộp để giải quyết số lượng mẫu quá lớn. Theo đó, hình thức xét nghiệm gộp từ 3-5 mẫu áp dụng cho các khu dân cư đang bị phong tỏa.
Hình thức này vừa đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, lại vừa tiết kiệm sinh phẩm. Khi phát hiện dương tính mới tiếp tục xét nghiệm sâu để xác định đích danh mẫu dương tính của người nào (vì đằng nào người trong nhóm này cũng đang trong vùng phong tỏa).
Như vậy, việc áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp theo nhóm vừa bảo đảm yêu cầu về độ chính xác vừa rút ngắn thời gian gấp rút và khẩn trương. Tất nhiên trong giai đoạn 2 này, các trường hợp F1 vẫn được xét nghiệm riêng lẻ.
Trong giai đoạn thứ 3, khi không ghi nhận ca mắc mới, Đà Nẵng triển khai xét nghiệm theo diện hộ gia đình trên toàn thành phố. Đối tượng được xác định là người có nguy cơ nhất trong một hộ gia đình, là người trên 18 tuổi. Trong thời gian này, TP Đà Nẵng xác định nếu phát hiện sớm ca bệnh sẽ giúp các cơ quan chuyên môn nhanh chóng có biện pháp triển khai kiểm soát khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Lúc này nguy cơ tương đối thấp, cho nên nếu lấy theo đại diện gia đình lại ít tốn kém, vừa nhanh mà coi như tầm soát được toàn diện thành phố. Cũng vì nguy cơ tương đối thấp nên tiếp tục dùng phương pháp xét nghiệm gộp đối với các mẫu lấy về. Đó là một sự tính toán tiết kiệm từ thời gian, nhân lực, chi phí mà lại hiệu quả nhất.
Nhờ sử dụng hài hòa các giải pháp này mà vừa đẩy nhanh được tốc độ truy vết tìm bệnh nhân, vừa giảm được chi phí.
Theo Tuổi trẻ