Ngành công thương Hải Dương: 70 năm xây dựng và phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 11:40, 12/05/2021

Thời gian qua, ngành công thương Hải Dương không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh.


Những năm qua, ngành công thương đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Ngày 14.5.1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Ngày 2.10.2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14.5 hằng năm là Ngày truyền thống của ngành công thương Việt Nam. 

70 năm qua, ngành công thương Hải Dương đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp công sức vào sự phát triển của tỉnh qua các thời kỳ. Ngành đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách khi phải thực hiện sản xuất, kinh doanh theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, trên nền cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu của chế độ cũ để lại. Sản xuất công nghiệp từ chỗ chỉ có các nhà máy rượu, chai, điện đã phát triển thành hệ thống các nhà máy sản xuất công nghiệp, cung cấp nguồn năng lượng, tư liệu sản xuất, vật tư xây dựng, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Hoạt động thương mại từ chỗ chỉ có một số hộ tiểu tư sản thương nghiệp đã phát triển thành các công ty thương nghiệp, HTX mua bán phục vụ đời sống nhân dân và cung ứng hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong quá trình phát triển đó, nhiều tấm gương anh hùng của ngành đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh.

Bước sang thời kỳ đổi mới, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là sau khi tái lập tỉnh, ngành công thương Hải Dương không ngừng vươn lên khẳng định vai trò đầu tàu, là động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và xuất khẩu của tỉnh đạt được những bước phát triển vượt bậc, tăng trưởng cao. Thị trường mở rộng và từng bước hội nhập sâu hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp và thương mại không ngừng phát triển. Toàn tỉnh đã có 14 khu công nghiệp, 40 cụm công nghiệp, khoảng 16.200 doanh nghiệp, trên 259 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 172 chợ và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại cùng hàng chục vạn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Nhiều ngành sản xuất lớn đã đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện - điện tử, chế biến nông sản thực phẩm. Ngoài ra, ngành may mặc và giầy da phát triển đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong tỉnh.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,1%/năm, cao hơn bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người 69,8 triệu đồng, đứng thứ 19 trong cả nước. Quy mô kinh tế của tỉnh cao gấp 1,6 lần so với năm 2015 và đứng thứ 11 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng - dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,4%/năm. Quy mô ngành công nghiệp năm 2020 của tỉnh tăng gấp 2 lần năm 2015. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 


Hệ thống hạ tầng thương mại trong tỉnh ngày càng phát triển. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Lan Chi mart (TP Chí Linh)

Hải Dương hiện có 66 làng nghề với 47 nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp, 172 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 13 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Thương mại nội địa ổn định, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 6%/năm. Kết cấu hạ tầng thương mại được nâng cấp. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2020 tăng bình quân gần 12%/năm và đã đạt khoảng 36 tỷ USD.

Cùng với sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công thương có những chuyển biến tích cực, bảo đảm sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực của ngành được thực hiện công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian. 

Những thành tựu của ngành công thương Hải Dương trong suốt 70 năm qua có ý nghĩa quan trọng trong thu hút, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành công nghiệp và thương mại Hải Dương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba, Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là niềm tự hào, vinh dự lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Sở Công thương đã sớm chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các định hướng, chính sách hội nhập và phát triển. Trước hết, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn ngành sẽ nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh trên 9%/năm. Đến năm 2025, ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng 92%. Giá trị công nghiệp tăng trên 10,7%/năm, ngành dịch vụ tăng trên 8%/năm, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường và chỉ số giá tiêu dùng trong tỉnh. Phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương, sự hợp tác chặt chẽ của các cấp, ngành, ngành công thương Hải Dương sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra. Phấn đấu đưa ngành công thương của tỉnh sánh vai với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII.

TRẦN VĂN HẢO
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương