Tuyến xe buýt Hải Dương-Bắc Ninh: Tranh chấp giữa lái xe và doanh nghiệp

Bạn đọc - Ngày đăng : 15:04, 12/05/2021

Khi hợp tác kinh doanh, giữa các lái xe và Công ty Hưng Thịnh không đề cập, thỏa thuận về tư cách thành viên công ty nên các lái xe không đủ cơ sở để đề nghị công nhận là thành viên công ty.


​Mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và các lái xe kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến buýt 217

Theo phản ánh của các lái xe, từ khi Công ty TNHH Vận tải hành khách và du lịch Hưng Thịnh (gọi tắt là Công ty Hưng Thịnh) kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên tuyến 217 (Hải Dương-Bắc Ninh), họ đều phải bỏ tiền đầu tư mua xe buýt, toàn quyền quản lý, khai thác, chuyên chở hành khách bằng xe do mình đầu tư.

Đặc biệt, năm 2017 thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, các lái xe phải đầu tư số tiền lớn để doanh nghiệp mua xe buýt mới thay thế. Các lái xe cho rằng khi họ đầu tư mua xe buýt thì phải được công nhận là thành viên của Hội đồng thành viên công ty, có quyền lợi, quyền biểu quyết khi thông qua các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Song từ khi góp vốn đầu tư đến nay, Công ty Hưng Thịnh không thực hiện đăng ký bổ sung thành viên, cấp sổ đăng ký thành viên góp vốn cho các lái xe.

Theo ông Nguyễn Hữu Hải, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hưng Thịnh, doanh nghiệp là công ty TNHH 2 thành viên trở lên, thành lập ngày 14.12.2000, kinh doanh vận tải hành khách. Đến năm 2008 doanh nghiệp mới xin bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và được cấp phép hoạt động khai thác tuyến 217 Hải Dương-Bắc Ninh. Theo ông Hải, lúc đầu doanh nghiệp mua xe ô tô buýt và thuê, trả lương hằng tháng cho lái xe, phụ xe. Sau một thời gian quản lý như trên không hiệu quả, doanh nghiệp và lái xe thỏa thuận sẽ giao toàn bộ quyền quản lý, sử dụng xe và khai thác tuyến cho lái xe. Lái xe phải trả tiền giá trị xe cho công ty, tự chịu mọi chi phí trong quá trình hoạt động và hằng tháng phải nộp cho công ty phí quản lý, thuế, bến bãi... Các lái xe tự hạch toán thu chi, lãi được hưởng, lỗ phải chịu. "Khi công ty giao xe cho lái xe, hai bên chỉ lập biên bản bàn giao xe, không có thỏa thuận nào về tư cách thành viên công ty. Các lái xe vẫn làm theo phương thức này từ năm 2008 đến nay. Công ty đã 4 lần thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng không có lái xe nào là thành viên công ty", ông Hải khẳng định.

Làm việc với phóng viên, ông Đặng Khánh Dư, đại diện các lái xe vẫn cho rằng Công ty Hưng Thịnh phải công nhận quyền sở hữu phần vốn góp, công nhận tư cách thành viên của các lái xe. Mặc dù vậy, ông Dư cũng không cung cấp được giấy tờ, văn bản để chứng minh được tư cách thành viên công ty của các lái xe. Ông Dư cho biết thêm nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn trên là do các lái xe lo lắng, bức xúc trước việc Công ty Hưng Thịnh có ý định tăng số lượng xe buýt khai thác trên tuyến. Trong khi đó lượng khách hiện không đông và giảm từ khi có dịch Covid-19. Vì vắng khách nên tuyến cũng chưa khai thác hết công suất những xe hiện có. "Để đầu tư mua xe mới, hiện chúng tôi ai cũng nợ ngân hàng vài trăm triệu đồng cả gốc và lãi. Nếu công ty đề nghị tăng thêm số lượng xe buýt trong tuyến và được Sở Giao thông vận tải chấp thuận thì lái xe chúng tôi vốn khó khăn càng thêm khó khăn", ông Dư cho biết.

Theo tìm hiểu, khi hợp tác kinh doanh, giữa các lái xe và Công ty Hưng Thịnh không đề cập, thỏa thuận về tư cách thành viên công ty nên các lái xe không đủ cơ sở để đề nghị công nhận là thành viên công ty.

Ngày 28.4, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại theo đơn khởi kiện của 11 lái xe buýt tuyến 217. Tòa án đã bác đề nghị công nhận quyền sở hữu phần vốn góp, công nhận tư cách thành viên trong Công ty Hưng Thịnh của các lái xe.

Cách thức hợp tác như trên hiện khá phổ biến trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi trong tỉnh. Tuy phù hợp với thực tiễn kinh doanh, nguồn lực của các doanh nghiệp nhưng tiềm ẩn phát sinh mâu thuẫn khi quyền lợi giữa các bên không bảo đảm. Đề nghị Sở Giao thông vận tải thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, giám sát và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để không ảnh hưởng đến hoạt động, chất lượng vận tải hành khách.

HẠO NHIÊN