Kiểm tra trực tuyến: Đánh giá đúng năng lực học sinh là "điều không tưởng"?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 13:16, 13/05/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc cho học sinh đến trường để kiểm tra trực tiếp là bất khả kháng với hầu hết các địa phương.

Nếu như việc học online được coi như đã tạm vào nề nếp thì việc kiểm tra học kỳ đang khiến các trường băn khoăn về cách thức thực hiện khi chỉ còn ít tuần nữa là kết thúc năm học.

Kiểm tra trực tuyến chưa có tiền lệ 

Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết: "Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gián đoạn việc học là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong 1-2 năm học tới. Việc các trường chủ động xây dựng kịch bản tổ chức kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến là điều cần thiết.

Trong thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định về việc tổ chức kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến, như vậy là căn cứ pháp lý cho việc này đã được đảm bảo."

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho hay, trong điều kiện dịch Covid-19 này mà học sinh vẫn tiếp tục chương trình học thì vẫn phải cho học sinh kiểm tra để kết thúc học kỳ; bởi dù sao quy trình học và kiểm tra phải gắn liền với nhau.

Với tình hình hiện tại không thể kiểm tra trực tiếp thì các trường phải cố gắng để làm sao việc kiểm tra trực tuyến phản ánh được khách quan nhất. 


Dù có nhiều vấn đề nhưng trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến được coi là phương pháp tối ưu nhất vào thời điểm này. (Ảnh minh họa)

Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc cho học sinh đến trường để kiểm tra trực tiếp là bất khả kháng với hầu hết các địa phương.

Trong khi đó, thời gian kết thúc năm học không còn nhiều (gần 3 tuần). Vì vậy, kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến được coi là phương pháp tối ưu nhất.

Khẳng định những lợi ích của kiểm tra trực tuyến, tuy nhiên, thầy Ngọc cũng thừa nhận, hiện nay, hình thức kiểm tra này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

"Kiểm tra bằng hình thức trực tuyến là việc chưa có tiền lệ. Có lẽ, kiểm tra học kỳ trực tuyến còn là khái niệm còn khá mới mẻ với cả phụ huynh, học sinh, giáo viên và nhà trường. Điều này có thể gây ra tâm lý e ngại, lúng túng, việc thực hiện sẽ trở nên khó khăn hơn", thầy Ngọc chia sẻ. 

Theo thầy Ngọc, cơ sở vật chất, hạ tầng mạng cũng được coi là thách thức lớn, khiến việc tổ chức thi trực tuyến trở nên bất cập. Việc có một máy tính, một đường truyền ổn định riêng không phải học sinh nào cũng đáp ứng được. 

Trong khi đó, thầy giáo Trần Mạnh Tùng (trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội) lại cho rằng, việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong kiểm tra trực tuyến là một bài toán lớn, khiến thầy cô, nhà trường và các nhà giáo dục "đau đầu".

"Tính tự giác của học sinh nói riêng và của con người Việt Nam nói chung còn chưa cao. Căn bệnh thành tích đã ăn sâu, bén rễ vào tư duy mỗi người. Do đó, nếu học sinh ngồi tại nhà để kiểm tra thì việc đảm bảo tính nghiêm túc và đánh giá đúng năng lực của các em sẽ được xem là "điều không tưởng", thầy Tùng nhấn mạnh.

Xem lại điểm thi của học sinh nếu điểm cao bất thường

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc kiểm tra trực tuyến, thầy cô và nhà trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các kịch bản có thể phát sinh trong quá trình tổ chức kiểm tra. 

Thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ: "Tùy thuộc vào độ tuổi cũng như năng lực của mỗi cấp học mà nhà trường lựa chọn nội dung, mức độ yêu cầu và hình thức của bài thi phù hợp. Ví dụ học sinh tiểu học còn nhỏ thì nên hạn chế các câu hỏi tự luận phải gõ phím nhiều mà nên ưu tiên trắc nghiệm". 

Theo thầy, để kỳ kiểm tra thật diễn ra suôn sẻ thì tốt nhất các trường nên làm thử 1-2 lần trước để kịp thời rút kinh nghiệm cho lần đánh giá cuối cùng.

Trong trường hợp điểm kiểm tra chênh lệch quá nhiều so với sức học bình thường của các em khi ở lớp, các thầy cô cũng cần phải rà soát, cân nhắc cho kiểm tra lại bằng hình thức phù hợp.

Còn theo Tiến sĩ Tùng Lâm, ngoài việc chuẩn bị các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, cơ sở vật chất, nội dung kiểm tra... phù hợp với các em học sinh, thì kỳ kiểm tra này sẽ thành công và nhân văn hơn nếu như có được ý thức tự giác, trung thực của học sinh và phụ huynh.

Dù việc tổ chức kiểm tra trực tuyến còn mới mẻ và vẫn còn tồn tại khá nhiều những bất cập. Tuy nhiên, chúng ta hãy tin rằng, nếu nhà trường và thầy cô giáo luôn quan tâm, sát sao với học sinh, thì kết quả bài thi trực tuyến vẫn sẽ là căn cứ quan trọng nhất để có thể nắm bắt và đánh giá đúng được năng lực thật của các em.   

Theo Dân trí