Bí quyết ôn tập môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT với 4 dạng đề thường gặp

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:34, 15/05/2021

Để ôn tập tốt môn Ngữ văn, thí sinh nên ôn tập theo từng dạng đề, chia nhỏ đề thi làm 3 phần với thời gian tương ứng để luyện theo từng ngày cho đỡ áp lực và luyện đề tổng hợp cuối tuần như một bài thi thử.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ngữ văn là bài thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó, phần nghị luận văn học chiếm điểm số nhiều nhất trong đề thi.

Thầy Đặng Ngọc Khương, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn, thí sinh nên tham khảo các dạng đề có thể xuất hiện trong phần thi này để có phương pháp ôn luyện hiệu quả và đạt điểm số cao nhất.

Theo khảo sát và đánh giá của thầy Khương về đề thi môn Ngữ văn trong 5 năm gần đây, phần nghị luận Văn học thường được ra với những dạng đề quen thuộc như sau:


Thầy Đặng Ngọc Khương đưa ra một số dạng bài nghị luận văn học thường gặp

Dạng 1, đưa ra một ý kiến nhận xét về một khía cạnh nào đó của tác phẩm, có thể là khía cạnh nội dung cũng có thể là khía cạnh nghệ thuật. Từ đó yêu cầu học sinh phân tích khía cạnh được nói đến trong nhận xét để bình luận về ý kiến.

Ví dụ, trong đề thi chính thức năm 2016 ra: “Có ý kiến cho rằng: Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.

Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm “Vợ nhặt”, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên”.

“Cách làm dạng bài này, các em phải giải thích được ý kiến (giải thích từ khóa, sau đó khái quát cách hiểu chung về ý kiến). Sau khi giải thích xong phải bám vào nội dung của ý kiến để xây dựng các luận điểm và lấy dẫn chứng trong tác phẩm để phân tích, bình luận về ý kiến”, thầy Khương cho biết.

Dạng 2 thường gặp là phân tích một hình ảnh trong tác phẩm A. Từ đó liên hệ đến một hình ảnh tương tự trong tác phẩm B để đưa ra nhận xét nào đó liên quan đến tác cả hai tác giả.

Thầy Đặng Ngọc Khương lấy ví dụ như đề thi năm 2018 hỏi: “Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó anh/chị hãy liên hệ sự đối lập giữa thành cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”.

Đưa ra cách làm với dạng đề này, thầy Khương cho biết, học sinh phải xác định đây là dạng đề liên hệ để so sánh không phải là so sánh 2 đối tượng song song. Phần thân bài cần tập trung làm rõ đối tượng thứ nhất. Đơn cử như với đề nêu trên là phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài rồi sau đó mới liên hệ đến đối tượng thứ hai là sự đối lập giữa thành cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu. Sau khi phân tích xong phải có phần nhận xét đánh giá chung về cách nhìn của tác giả.

Dạng 3 là phân tích một khía cạnh nội dung nào được thể hiện qua một đoạn trích thơ/văn xuôi. Ví dụ, đề thi năm 2020 yêu cầu: “Phân tích tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích sau:“Em ơi em(…) Đất nước của nhân dân của ca dao thần thoại”.

Đối với dạng bài này, thầy Khương cho biết, học sinh phải giải thích được khái quát khía cạnh nội dung mà đề yêu cầu phân tích thông qua đoạn trích, cụ thể, với đề nêu trên phải giải thích tư tưởng đất nước của nhân dân là gì? Sau đó phân tích đoạn trích để làm rõ những biểu hiện của khía cạnh được đề cập. Lưu ý, sau khi phân tích luôn phải có phần đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

Dạng 4 thường yêu cầu phân tích/cảm nhận một đoạn trích thơ/văn xuôi/nhân vật… (vế 1). Từ đó có thể bình luận, nhận xét về một đặc điểm phong cách nghệ thuật hay tư tưởng nào đó của tác giả (vế 2).

Thầy Khương lưu ý, đề có thể cho sẵn ngữ liệu hoặc không cho ngữ liệu (với dạng đề cảm nhận về nhân vật). Ví dụ, đề thi năm 2019 cho đoạn trích: “Trong những dòng sông đẹp ở các nư­ớc (…) và ném chìa khoá trong những hang đá d­ưới chân núi Kim Phụng”. (Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.198)

Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Hay đề minh họa 2021: “Phải nhiều thế kỷ đi qua, (…), giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”

Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

(Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.198 - 199)

Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích nói trên. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình  trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Cách làm dạng bài này, trước hết học sinh phải xác định được chủ đề, nội dung và những đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích. Sau đó, xây dựng thành các luận điểm tương ứng để triển khai phân tích, cảm nhận. Nếu đề thi có thêm vế thứ 2 (vế phụ), thì sau khi phân tích và đánh giá khái quát, học sinh phải có phần nhận xét, bình luận theo đúng yêu cầu của vế phụ.

Một số lỗi thường gặp trong quá trình làm bài nghị luận văn học

Thầy Đặng Ngọc Khương cũng cho biết, thí sinh khi làm bài nghị luận văn học thường gặp phải một số lỗi cơ bản như phân bố thời gian không hợp lí dẫn đến không hoàn thiện được bài thi, kết cấu bài văn không hài hòa, hợp lí.


Thầy Đặng Ngọc Khương cho biết, nhiều học sinh hay gặp các lỗi trình bày, bố cục, cả phần thân bài chỉ viết 1 đoạn văn. (Ảnh minh họa)

“Phần thân bài nhiều em chỉ viết 1 đoạn văn hoặc có đoạn viết quá dài, đoạn lại viết quá ngắn và sơ sài.

Diễn xuôi thơ hoặc kể/thuyết minh lại tác phẩm văn xuôi. Không kết hợp hài hòa giữa phân tích, cảm nhận và đánh giá…Bài viết không có luận điểm, luận cứ, không được triển khai theo một hướng lập luận nào. Quá nhiều lỗi chính tả và diễn đạt, đặc biệt là ở phần mở bài, gây nên ấn tượng xấu cho người chấm về cả bài viết. Nhiều bài viết còn khô khan, không có cảm xúc”, thầy Khương nhận xét chung về những lỗi thường gặp.

Để khắc phục những lỗi này, thầy Khương cho rằng, thí sinh nên có kế hoạch ôn tập cụ thể và tìm ra được phương pháp ôn luyện hiệu quả cho mình. Về phương pháp ôn luyện trong thời gian nước rút, học sinh có thể chia nhỏ đề thi làm 3 phần với thời gian tương ứng để luyện theo từng ngày cho đỡ áp lực và luyện đề tổng hợp cuối tuần như một bài thi thử.

“Các em nên luyện từng ngày luân phiên nhau 1 trong 3 phần thi: Đọc hiểu 25 phút, nghị luận xã hội 25 phút, nghị luận văn học 60 phút. Thời gian của từng phần khi luyện nên ít hơn thời gian thi thực tế 5 – 10 phút để khi vào làm bài thi thực tế đảm bảo được tốc độ.

Bên cạnh đó, các em cũng có thể luyện theo tuần, mỗi tuần làm 1 đề thi thử. Ngữ liệu đọc hiểu có thể tùy chọn, nhưng phạm vi câu nghị luận văn học nên bám sát các tác phẩm trọng tâm. Sau khi làm xong bài luyện, các em nên nhờ thầy cô chấm và góp ý để kịp thời bổ sung, rút kinh nghiệm. Hãy giữ lại tất cả tập bài luyện đã được góp ý, chỉnh sửa và lấy đó làm đề cương ôn tập”, thầy Khương lưu ý./.

 Theo VOV