Tiếng rao đêm
Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:19, 16/05/2021
Đêm nay đại úy Lê Công Phương, Đội trưởng an ninh trật tự, Công an phường Hòa Lộc trực ban. Căn phòng tĩnh lặng. Mùi hoàng lan thấm đẫm không gian. Thi thoảng anh vươn vai một cái cho đỡ mỏi. Có lúc anh ra tựa cửa đứng nhìn mọi người đi lại. Đã qua nửa đêm rồi. Những tiếng rao của người bán hàng rong lúc xa, lúc gần. Phương cố lọc trong mớ âm thanh ấy một tiếng rao: “Ai xôi nóng, giò chả không?”, nhưng vô vọng. Hai năm rồi Phương chưa được một lần nghe lại tiếng rao thân thương đó.
Bảy năm trước, thiếu úy Phương về phường Hòa Lộc nhận công tác. Ông Thăng, Trưởng Công an phường phân công anh phụ trách đội dân phòng. Nhiệm vụ của các anh là thường xuyên tuần tra ban đêm địa bàn do mình quản lý. Qua tìm hiểu, Phương biết phường Hòa Lộc khá rộng. Phường có một bến xe khách với hàng trăm xe vào ra mỗi ngày và một cái chợ khá sầm uất. Ông Thăng vỗ vai Phương thân mật: “Khá phức tạp đấy”. Ngừng giây lát, ông nói tiếp: “Nếu có gì khó khăn hoặc chưa thông với nhiệm vụ, cậu được phép đề đạt”. Phương đứng nghiêm: “Báo cáo, tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ông Thăng cười: “Tôi cũng tin như thế”.
Địa bàn Hòa Lộc đã được các thế hệ đi trước Phương phân loại. Đa số là bà con lao động chân chính. Họ làm đủ các nghề. Nói chung là cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn. Điều mà Phương yên tâm là mọi người đều làm ăn chăm chỉ và chấp hành tốt pháp luật. Nhưng vì là nơi đông người nên không thể tránh được sự nhòm ngó của lũ bất lương từ nơi khác đến. Có những tuần Phương phải thức trắng đêm cùng đội dân phòng tuần tra.
“Ai xôi nóng, giò chả không?”. Tiếng rao của một người đàn bà cao tuổi nghe khàn khàn. Nửa như mời gọi, nửa như khẩn cầu. Một lần đi ngang qua bà lão bán xôi. Mùi xôi nóng tỏa ra thơm lừng khiến Phương thấy đói. “Bác bán cho cháu một suất”. Trong lúc bà bán xôi hạ cái thúng từ trên đầu xuống, Phương mới có dịp nhìn kỹ bà. Có lẽ bà phải đến sáu mươi tuổi, nét mặt phong sương, người nhỏ, gầy. Cái áo nâu cũ, phần vai và khuỷu tay bạc hơn những chỗ khác. Chợt bà hỏi Phương nhưng đầu vẫn cắm cúi đơm xôi: “Giờ này chú vẫn còn làm việc sao?”. Phương đáp nhỏ: “Dạ. Cháu đang cùng anh em dân phòng tuần tra ạ. Tự nhiên đêm nay ngửi mùi xôi của bác, cháu thấy thèm quá”. Bà bán xôi nói: “Các chú vất vả quá. Nhờ đó được cái an ninh trật tự của phường ổn định. Dân chúng tôi cũng yên tâm bán hàng lúc đêm khuya vắng. Mời chú”. Phương đỡ gói xôi nóng hổi trên tay hỏi: “Nhà bác ở đâu? Con cái bác đâu mà đêm nào cháu cũng thấy bác lọ mọ?”. Bà lão nói với vẻ chân thật: “Ông nhà tôi mất lâu rồi. Sinh nở năm bận chỉ đậu mỗi đứa con gái út đang học ngành y”. “Cháu xin lỗi đã chạm vào ký ức buồn của bác”. Bà lão gạt đi: “Không có gì”.
Bà lão bán xôi lại nâng cái thúng lên đầu, vừa đi vừa rao: “Ai xôi nóng, giò chả không?”. Nhìn dáng đi liêu xiêu và cái lưng đã bắt đầu còng xuống của bà lão, Phương nhớ tới cha mẹ ở quê. Bố Phương trước đây cũng là cán bộ công an. Ông xin nghỉ hưu do mẹ Phương bị ung thư giai đoạn cuối. Bao nhiêu tiền của, công sức của gia đình đều dồn hết vào chữa bệnh cho mẹ. Một lần Phương nói với bố: “Con sẽ xin bảo lưu kết quả học tập, tạm đi làm góp thêm tiền chữa bệnh cho mẹ với bố”. Ông bình thản bảo: “Con đừng lo lắng mà ảnh hưởng đến học tập. Bố còn khỏe còn lo được”. Ngày Phương nhận công tác, bố dặn dò: “Đời người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chỉ cần một giây lơi lỏng, thiếu cảnh giác sẽ bị những viên đạn bọc đường bắn gục ngay. Con hãy nhớ những lời Bác Hồ nhắc nhở chiến sĩ Công an nhân dân để mà làm tốt nhiệm vụ của mình”. Anh rưng rưng: “Bố yên tâm, con luôn soi vào đó để rèn luyện”. Sau này vào thực tế Phương mới thấm thía câu nói của người cha thân yêu. Phương càng thấy sức mạnh tiềm ẩn bên trong cái vẻ già nua của ông. Ngày cầm tháng lương đầu tiên cũng là lúc mẹ anh qua đời.
Từ đó, mỗi lần nghe tiếng rao: “Ai xôi nóng, giò chả không” là mỗi lần Phương lại nhớ mẹ. Một lần Phương lặng người nhìn bà bán xôi, khiến bà ngạc nhiên: “Có việc gì mà chú buồn vậy?”. Phương giật mình vội chữa: “Dạ, cháu hơi bị nghẹn thôi, giờ qua rồi”. Bà lão thở nhè nhẹ và nhìn Phương bằng đôi mắt thiện cảm. Hai người, một già một trẻ thỉnh thoảng trao đổi với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối như thế. Lần khác Phương hỏi: “Mỗi đêm bác bán có hết thúng xôi này không”. Bà lão bảo: “Hôm hết, hôm không. Đêm nào mưa gió thì hôm sau hai mẹ con phải ăn trừ cơm”. Mỗi đêm bà lão đi bộ hết một phần thành phố, nghĩ mà thương!
Những lần gặp sau, hai người chào hỏi nhau thân thiết. Nhiều lúc Phương còn kiên nhẫn đứng nghe bà lão nói chuyện dù câu chuyện chỉ quẩn quanh trong cái xóm nghèo của bà. Sự xởi lởi của bà lão khiến Phương thấy ấm lòng. Có lần bà đột ngột hỏi: “Sao mấy tối nay không thấy chú đi tuần? Ốm à?”. Phương giật mình. Ý thức nghề nghiệp trong anh bật ra câu hỏi: “Bà lão này là ai mà theo dõi công việc của đội dân phòng kỹ đến vậy?”. Nhưng rồi anh vội gạt ngay đi trước giọng nói ân cần, quan tâm như người mẹ nói với con trai của bà. Phương thật thà: “Dạ, chúng cháu có hai người thay nhau ạ!”.
Vào một đêm mưa tầm tã. Ánh đèn đường như vùng vẫy trong không gian sũng nước. Mãi tới gần sáng Phương mới nghe tiếng rao bán xôi của bà lão. Chắc gần trọn đêm đi nhiều, rao nhiều nên tiếng của bà khản hơn, yếu hơn. Phương dừng bước, hỏi: “Bác bán gần hết chưa?”. “Mưa quá nên bán chậm lắm. Còn gần như nguyên vẹn”. Nói xong bà lão thở dài não nuột. Phương thấy miệng mình đắng nghét. Phương nói với anh em trong đội dân phòng: “Anh em mua giúp bà cụ mỗi người một nắm xôi”. Tất cả mọi người nhất trí. Thúng xôi của bà lão vơi đi quá nửa. Nhìn bà lão ướt lướt thướt trong tấm nilon, Phương cởi cái áo mưa của mình, khoác lên người bà: “Bác mặc tạm cái áo này cho ấm. Mai trả cháu cũng được”. Bà lão đón chiếc áo từ tay Phương, bảo: “Không phải già nói nịnh, chú tốt quá. Con gái nhà nào lấy chú hẳn có phước lắm”. Phương ngượng: “Bác cứ nói vui. Cháu đâu được cái diễm phúc ấy”.
Vào một đêm, tổ dân phòng phát hiện một băng trộm đang đột nhập vào căn nhà vắng chủ. Chúng có 5 tên. Nhóm của Phương cũng có 5 người. Phương tổ chức vây bắt theo phương án đã tập. Một bên quyết bắt. Một bên điên cuồng chống cự, hòng tẩu thoát. Bằng một thế võ thuần thục, Phương quật một tên nằm sấp mặt xuống đường. Khi anh cúi xuống bập xong chiếc còng số 8 vào tay tên tội phạm, thì một tên khác từ phía sau đâm anh một nhát. Phương ngã gục, máu phun xối xả. Hai người dân phòng khẩn trương đưa Phương đi cấp cứu. Anh em khác cũng bắt được hai tên.
Rất may, vết thương của Phương chỉ bị vào phần mềm. Đến sáng thì anh tỉnh hẳn và được phép đi lại nhẹ nhàng. Ông Thăng và đồng đội đến thăm hỏi, động viên: “Cứ yên tâm chữa trị vết thương. Khi nào khỏe thì về”. Phương nằm viện đến ngày thứ hai thì bà lão bán xôi tìm đến. Phương hỏi, giọng đầy xúc động: “Sao bác biết cháu gặp nạn mà đến thăm?”. Bà lão thong thả: “Mấy hôm nay dân tình nói ầm ầm. Ai cũng cảm phục hành động dũng cảm của chú thì làm sao già lại không biết. Nay già mang hộp sữa, cân cam để chú bồi dưỡng. Nhận đi cho già vui”. Bà lão nói như năn nỉ, khiến Phương rưng rưng không dám từ chối. Ngừng một lát, bà lão lại tiếp: “Nghe nói chú mất nhiều máu lắm hả? Còn thiếu không? Già bảo con gái già đến truyền tiếp nhé. Đừng lo, nó khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì hết. Thỉnh thoảng nó vẫn đi hiến máu đấy”. Chao ôi, bà lão thật tốt. Bữa cơm bà ăn chưa thật no. Cái áo bà mặc chưa thật lành nhưng vẫn đem nghĩa tình san sẻ cho người khác. Rồi bà hỏi han Phương, ân cần và dịu dàng như người mẹ chăm con. Bỗng nhiên bà đổi cách xưng hô: “Phương này, tao nói thật, nếu mày đồng ý, tao gả con Liên cho. Không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Nó tuy không sắc nước, hương trời nhưng cũng dễ coi, lại hiền lành, chịu khó”. Nghe bà lão tán dương con gái, Phương suýt phì cười.
Trong mắt người mẹ, đứa con nào chẳng nhất, chẳng tuyệt vời. Phương lúng túng: “Dạ, cháu còn trẻ mà. Với lại cháu cũng chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình ạ”. Bà lão có vẻ buồn, hơi ngượng. Phương nhớ đến gương mặt buồn của cha mình mỗi lần giục anh lấy vợ. Anh em Phương mỗi người công tác một nơi. Một mình ông lủi thủi sân trước, vườn sau. Nhìn bà lão buồn, Phương biết mình lỡ lời. “Cháu xin lỗi đã làm bác thất vọng. Dù sao đây cũng là lời nói thật lòng của cháu”.
Một thời gian ngắn sau, Phương được cấp trên cử đi học nâng cao. Mười tám tháng trôi qua nhanh chóng, Phương lại trở về Hòa Lộc. Cảnh vật vẫn như ngày anh đi. Chỉ có tiếng rao đêm của bà lão không còn nữa. Đêm nào Phương cũng hy vọng nghe được tiếng rao của bà, nhưng đã sáu tháng nay không thấy. Phương nhớ bà lão bán xôi. Có lúc anh muốn đến thăm. Nhưng tiếc thay, dù quen nhau lâu mà chưa một lần anh hỏi tên bà. Ngay đến nơi ở cũng chỉ biết chung chung: khu đô thị phía tây. Trời ơi, biết cũng như không. Khu đô thị phía tây rộng tới 400 ha cùng hàng vạn người sinh sống. Tìm bà lão khác gì mò kim đáy bể. Phương tự trách mình vô tâm đến tàn nhẫn.
Hôm nay đến phiên đại úy Phương trực tiếp dân. Có tiếng gọi: “Anh Phương ơi, ra có khách”. Phương liếc nhìn đồng hồ, còn những hai chục phút nữa mới đến giờ làm việc. Khách nào đến sớm thế nhỉ? Tuy vậy Phương vẫn rảo bước ra phòng trực ban. Một cô gái còn khá trẻ, chừng 25 tuổi, xinh xắn, ưa nhìn. Đôi mắt cô long lanh, bừng sáng, nhưng dáng điệu lại có vẻ bẽn lẽn. Sau giây phút lạ lẫm, cô gái nói: “Thưa, em xin được gặp anh Phương ạ”. Phương gật đầu: “Vâng. Tôi là Phương đây. Mời cô ngồi”. Chờ cô gái yên vị, Phương hỏi: “Cô tìm tôi có việc gì vậy?”. Mặt cô gái ửng đỏ, hai bàn tay vò xoắn vào nhau. Cô im lặng như cân nhắc điều cần nói. Phương động viên: “Cô cứ thong thả trình bày, giúp được gì chúng tôi sẽ hết sức”. Cô gái ngập ngừng: “Dạ … Mẹ em bảo đến mời anh hôm này tới dự… dự đám cưới của em ạ”. Phương ngỡ ngàng. Anh không hề quen cô gái này. Mọi người dân trong phường Phương biết hết, kể cả những người đến tạm trú. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của Phương, cô gái nói tiếp: “Em là Liên, con gái bà bán xôi đêm. Anh còn nhớ không? Mẹ em nghỉ bán gần năm nay rồi. Giờ mẹ em chỉ làm việc nhà thôi. Bà cũng cần có thời gian nghỉ dưỡng tuổi già”. Thì ra cô gái này đã tốt nghiệp y khoa, có việc làm ổn định và giúp đỡ được mẹ. “Ai xôi nóng, giò chả không?”. Tiếng rao đêm của người mẹ tảo tần bất chợt ngân lên trong ký ức Phương. Đón tấm thiệp hồng từ tay Liên, Phương len lén thở dài, nhưng miệng cười rất tươi: “Cảm ơn bác và cô Liên. Nhất định tôi sẽ đến”. Nhìn dáng mảnh mai của Liên khuất dần trong dòng người hối hả, Phương thấy lòng mình bỗng nhiên xao động bâng khuâng.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN