Giữ hay bỏ giá trần vé máy bay?

Kinh tế - Ngày đăng : 10:01, 19/05/2021

Đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay nội địa có từ 3 hãng cùng khai thác đang gây tranh cãi.

Hiện khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều tùy cự ly, chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.

Sẽ cạnh tranh hơn

Trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng đang được Cục Hàng không Việt Nam lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa với đường bay có 3 hãng trở lên khai thác. Tuy vậy, đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của chuyên gia, doanh nghiệp (DN) hàng không, du lịch.

Cục Hàng không lý giải với sự tham gia của ngày càng nhiều hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không.

Bày tỏ ủng hộ đề xuất của Cục Hàng không, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông - Thương hiệu Vietnam Airlines, cho rằng với việc bỏ trần giá vé máy bay, thị trường hàng không sẽ cạnh tranh hơn và theo đúng hướng kinh tế thị trường, nhà nước chỉ nên can thiệp khi có sự cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, vi phạm Luật Cạnh tranh. Các hãng sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn an toàn, phù hợp nhu cầu của khách hàng nhất. Khi đó, khách hàng sẽ được hưởng lợi. "Ở bất kỳ loại hình dịch vụ nào, khi có hơn một nhà cung cấp thì không nên áp giá trần. Việt Nam đang có 6 hãng nên việc áp giá trần là không cần thiết và không còn phù hợp với thực tế cũng như thông lệ thị trường hàng không của tất cả các nước trên thế giới" - ông Tuấn nêu quan điểm.

Theo đại diện Vietnam Airlines, việc quy định giá trần chung cho tất cả các hãng, bao gồm dịch vụ giới hạn (giá rẻ) và dịch vụ đầy đủ (full service) sẽ không phù hợp bởi kết cấu của dịch vụ đưa đến khách hàng khác nhau. Điển hình như, nếu hãng cung cấp dịch vụ đầy đủ chuẩn quốc tế như Vietnam Airlines ngoài chỗ trên máy bay hãng cung cấp cả suất ăn, đồ uống, hành lý, phòng chờ.... Còn các hãng giá rẻ thì không bao gồm những dịch vụ trên. Hiện trên thế giới, chỉ còn Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam áp dụng giá trần.

Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines, cũng cho rằng nếu bình thường, các đường bay có tính cạnh tranh cao theo quy luật thị trường không nên áp giá trần hoặc giá sàn. Nhưng trong thời điểm dịch Covid-19, việc bỏ giá trần cần phải được xem xét cẩn trọng. Bởi thực tế, nhiều DN hàng không đang rất khó khăn, nếu thời điểm này nhà nước bỏ quy định giá trần cũng khá nhạy cảm.

Cũng theo ông Biên, việc bỏ giá trần hay áp giá sàn, phía Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cần đánh giá, thảo luận một cách toàn diện, kỹ lưỡng. Cần quan tâm tới ý kiến của các hãng hàng không, người tiêu dùng và cơ quan quản lý liên quan nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của tất cả các bên.

Riêng về chuyện bỏ giá trần có thể dẫn tới tình trạng các hãng hàng không cùng nhau đẩy giá gây khó cho hành khách, lãnh đạo Vietravel Airlines khẳng định rất khó xảy ra bởi hành khách biết rõ mức giá nào là phù hợp. "Nếu có chuyện "bắt tay", hành khách sẽ tẩy chay và DN sẽ thiệt hại" - ông Vũ Đức Biên nói.


Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài

Có giá trần là cần thiết

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển lại cho rằng thị trường hàng không Việt Nam chưa phải đúng nghĩa kinh tế thị trường bởi hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí cần rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động. Do đó, việc có giá trần để cơ quan quản lý nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách là cần thiết. "Nếu có áp giá trần vé máy bay, có thể vẫn áp dụng cho các hãng hàng không có cổ phần chi phối lớn của nhà nước như Vietnam Airlines, bởi những hãng này vừa kinh doanh có lợi nhuận vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội. Trong khi đó, những hãng tư nhân như Vietjet, Bamboo…, có thể bỏ giá trần vé máy bay để họ đầu tư vào sản phẩm, chất lượng và bán vé với đúng giá trị sản phẩm cung cấp cho hành khách. Nếu các hãng tư nhân có ý định "làm giá, đẩy giá", hành khách sẽ tẩy chay và có cơ sở giá vé của hãng hàng không quốc gia để so sánh, từ đó quyết định mua vé của hãng nào" - TS Đinh Thế Hiển phân tích.

Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh nhà nước quản lý thị trường bằng 2 phương thức: Nhà nước định giá và để cho thị trường tự quyết định. Căn cứ vào tính chất của thị trường, nhà nước sẽ quyết định dùng phương thức nào. Đối với những thị trường vẫn còn DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường (hay còn gọi là độc quyền nhóm) như thị trường hàng không hiện nay, nhà nước vẫn phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Chuyên gia nhấn mạnh không thể căn cứ vào số lượng hãng hàng không mà căn cứ vào tính chất của thị trường hàng không. Hiện nay thị trường hàng không có 6 hãng nội địa, song Vasco và Pacific Airlines đều là thành viên của Vietnam Airlines, Vietravel chiếm thị phần quá nhỏ, 3 hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways hiện chiếm tới 80%-90% thị phần. Riêng đường bay trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, 2 hãng Vietnam Airlines và Vietjet cũng đã chiếm quá nửa thị phần. Cục Hàng không cho rằng đường bay có trên 3 hãng là cạnh tranh và không cần giá trần là không hợp với quy định của luật pháp. "Đề xuất của Cục Hàng không, theo tôi là vi phạm vào Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh. Đề xuất này thực tế đã có từ lâu nên tôi cho rằng đề xuất này sẽ không được thông qua" - chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá.

Về việc giá trần thấp có hạn chế nâng cấp dịch vụ của DN, chuyên gia chia sẻ thêm với những thị trường độc quyền hoặc còn DN thống lĩnh, cách quản lý hữu hiệu nhất của nhà nước là công cụ kiểm soát giá, ngoài ra còn sử dụng công cụ hạch toán, kiểm toán, xem DN chi phí bao nhiêu, lợi nhuận bao nhiêu… Nhà nước định giá trần dựa trên chi phí hợp lý của DN, nếu quy định giá trần thấp hơn giá thị trường, các DN có quyền khiếu nại trên cơ sở tính toán theo chi phí. "Nhà nước định giá thì các DN vẫn có sự cạnh tranh trong khung giá đó nên nói có giá trần không có sự cạnh tranh là không đúng" - PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Không nên tăng phí quản trị hệ thống

Liên quan tới việc các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways đồng loạt tăng phí quản trị hệ thống thêm 100.000 đồng/chặng bay từ ngày 9-5, các đại lý vé máy bay đã phản ứng mạnh và cho rằng việc điều chỉnh tăng trong bối cảnh dịch bệnh là không phù hợp vì không kích thích nhu cầu đi lại của hành khách hoặc khách chuyển sang đi hãng có phí thấp hơn.

"Bình thường vào mùa cao điểm, giá vé đã tăng, nếu tăng cả phí quản trị nữa thì kéo theo giá vé càng tăng. Trong khi đó, đây đã là lần thứ 4 dịch Covid-19 ảnh hưởng đến Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng có hạn. Nếu giá thật rẻ khách hàng có thể tìm đến, còn nếu giá vé cứ tiếp tục tăng và hãng không hỗ trợ khách hàng thì chắc chắn nhu cầu đi lại trong thời gian tới sẽ còn giảm nhiều" - đại diện một đại lý vé tại Hà Nội nhận xét.

Theo Người lao động