Sinh viên "lười" dính bẫy lừa tiền đăng ký học lại
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 17:19, 20/05/2021
Ngại học, muốn qua môn
Hầu hết, các sinh viên đều bị đối tượng đánh trúng tâm lý ngại học lại và muốn đăng ký lớp học online, học vét nhanh nhất để có thể qua môn, đó là điểm yếu khiến đối tượng lừa đảo có cơ hội.
Đoạn tin nhắn mà đối tượng đã giả danh thầy cô của trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải để lừa sinh viên học lại
Sinh viên Nguyễn Thị H.T. năm 2, ngành Quản trị kinh doanh, trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải tâm sự: "Do là lần đầu tiên phải học lại, chưa kể việc lười đến trường đi học lại và không muốn thi nên em đăng bài lên facebook tìm người để học lại cho hết môn. Biết được tâm lý, kẻ lừa đảo đã lợi dụng sơ hở đó rồi nhắn tin cho em. Do cả tin vào đối tượng để rồi em đã bị lừa chuyển tiền xong thì người nhận giúp đó cũng lặn tăm. Không chỉ mình em mà còn 5 - 6 bạn khác cũng bị lừa như vậy, với số tiền như nhau là 750.000đ. Tuy nhiên, chúng em không dám báo cáo lên Ban giám hiệu của trường vì sợ".
Còn sinh viên Hoàng V.T. sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin cho biết, khi biết tin nhiều đối tượng đã giả danh thầy cô để lừa sinh viên đóng tiền học lại, học vét, bản thân em đã rất hoang mang. Vì một vài lý do cá nhân mà em phải học lại 4 - 5 môn cho nên ngay tối hôm đó em đã chuyển tiền để có thể qua những môn kia cho kịp thời gian ra trường vào năm sau. Vấn đề là đối tượng biết rất rõ thông tin cá nhân từ lớp học, chuyên ngành, môn học lại của em nên đã tin đối tượng đó".
Tỉnh táo hơn T., sinh viên Phạm Xuân Đ. sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin chia sẻ: "Ban đầu em khá hoang mang vì bạn kia biết em đã từng học môn học đó, nhưng em cẩn thận vào trang cá nhân của bạn kia kiểm tra thông tin và xác nhận đó là facebook giả mạo. Ngay lập tức em đã từ chối yêu cầu chuyển tiền học lại cho đối tượng trên".
Có thể thấy, khi bị lộ thông tin cá nhân quá nhiều cũng là một kẽ hở giúp các đối tượng có thể tạo ra niềm tin đối với sinh viên. Chưa kể, nhiều sinh viên lười học, muốn qua môn thi lại bằng "cửa sau" nên đã chấp nhận đóng học phí cao hơn mức bình thường để rồi khi sự tình vỡ lẽ đã không dám phản ánh với Ban giám hiệu nhà trường.
Lỗ hổng từ chính sinh viên
Hầu hết, sinh viên các trường đại học đều có một hội nhóm với hàng nghìn sinh viên để cùng nhau đăng ký học cải thiện, học vét, học vượt. Khi đăng bài tìm người để mở lớp theo thông báo của nhà trường, các sinh viên đã vô tình tạo lỗ hổng cho các đối tượng lừa đảo nắm bắt thông tin.
Nhóm học vét, học lại của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bạn Nguyễn Phương T., sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Dù em phải học lại 3 môn nhưng khi đăng ký, em chỉ đợi thông báo chính thức từ nhà trường hoặc từ lớp trưởng. Bản thân em chỉ tin tưởng vào những thông tin có văn bản từ khoa chứ không nghe theo bất kỳ một ai. Em thấy các bạn sinh viên nhiều trường vì tâm lý mà cứ đăng tìm học lại, học vét để lộ thông tin cá nhân rất nhiều rồi để bị lừa tiền".
Thầy Vương Hoàng Long, Phòng Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Nhà trường luôn tổ chức và thông báo lịch học, lịch đăng ký các lớp học cải thiện, học vét cho các em sinh viên trên trang thông tin điện tử của trường và yêu cầu các khoa chủ quản phải thông báo về các lớp để sinh viên nắm rõ thông tin. Bên cạnh đó, nhà trường chỉ thu học phí qua hình thức chuyển khoản về nhà trường chứ không thông qua bất cứ một thầy cô hay một em sinh viên khác".
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Quang Dũng, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho hay, năm trước cũng có một số sinh viên của trường đã bị lừa kiểu này. Sau khi biết thông tin sinh viên tiếp tục bị lừa như vậy, trường đã thông báo tới toàn thể sinh viên của nhà trường để cảnh giác, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo này.
Theo Dân trí