Ấn Độ cảnh báo bệnh ''nấm đen'' nguy hiểm ở các bệnh nhân COVID-19

Tin tức - Ngày đăng : 13:50, 21/05/2021

Ngày 20.5, nhà chức trách một số bang tại Ấn Độ đã phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm nấm mucormycosis, hay còn gọi là bệnh "nấm đen", ở những bệnh nhân COVID-19.


 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một khu chợ ở Mumbai, Ấn Độ

Thông thường Ấn Độ ghi nhận chưa đến 20 ca bệnh "nấm đen" trong một năm, nhưng hiện nay số ca mắc bệnh này tăng đột biến và trở thành một mối đe dọa mới trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 120.000 người chỉ trong 6 tuần qua. Trong ngày 20/5, các bang Gujarat và Telangana thông báo xuất hiện dịch "nấm đen", trong khi thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác đã phải mở các khu điều trị đặc biệt cho hàng nghìn ca mắc bệnh này. Một ngày trước đó, bang Rajasthan đã đưa ra thông báo tương tự. Trong khi đó, bang Maharashtra thông báo đến nay đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc bệnh này, còn bang Gujarat ghi nhận khoảng 1.200 ca. Thủ đô New Delhi đã thiết lập các khu điều trị đặc biệt tại 3 bệnh viện để tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm "nấm đen", với tổng số ca được ghi nhận khoảng 200 ca riêng ở thủ đô. Trong khi đó, khu vực điều trị đặc biệt tại thành phố Bangalore vừa mở ngày 19/5 đã nhanh chóng hết giường chỉ trong vài giờ. 

Tuy các cơ quan chức năng chưa xác nhận số ca tử vong cụ thể nhưng trung bình tỷ lệ tử vong vì nhiễm bệnh "nấm đen" trong vài ngày qua ở Ấn Độ được cho là lên tới 50%. Các bác sĩ cho rằng việc sử dụng steriod liều cao để điều trị COVID-19 là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh "nấm đen". Trong khi đó, các ý kiến khác nhận định điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại một số bệnh viện và việc các bệnh nhân sử dụng chung đường dẫn oxy là "điều kiện lý tưởng" để nấm đen lây lan.

Chính phủ Ấn Độ ngày 20.5 đã khuyến cáo chính quyền các bang cần chuẩn bị, huy động đội ngũ bác sĩ phẫu thuật cũng như các chuyên gia tai, mũi, họng để sẵn sàng điều trị số bệnh nhân mắc bệnh "nấm đen" đang ngày càng gia tăng.

Bệnh do nấm mucor gây ra sau khi xâm nhập cơ thể thông qua đường thở hoặc vết thương trên da. Mucormycosis thường tấn công mạnh nhất những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu do mắc các bệnh truyền nhiễm khác hoặc bệnh tiểu đường. Người nhiễm nấm Mucormycosis thường có các triệu chứng như nghẹt mũi và chảy máu mũi, sưng và đau mắt, sụp mí mắt; mắt mờ và cuối cùng mất thị lực, thậm chí tức ngực, khó thở, ho ra máu.

Theo TTXVN