Người cao tuổi kể chuyện đi bầu cử

Tin tức - Ngày đăng : 12:04, 22/05/2021

Không khí náo nức, vui tươi trong những lần cùng toàn dân đi bầu cử vẫn in đậm trong ký ức nhiều cử tri cao tuổi.


Cụ Nhì nhận thẻ cử tri. Ngày 23.5 này là lần thứ 15 cụ đi bầu cử

Nhớ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

75 năm đã trôi qua, ký ức về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn in đậm trong tâm trí cụ Phạm Văn Sâm ở thôn Bình Đê, xã Gia Khánh (Gia Lộc), nguyên cán bộ Trường Trung cấp Kỹ thuật y tế Hải Dương. Cụ nhớ lại: "6.1.1946 là ngày hội lớn sau khi đất nước giành độc lập. Khi ấy tôi vừa tròn 18 tuổi. Bấy giờ, cụ Vũ Kiên là cán bộ huyện dẫn học sinh, thiếu nhi gõ trống khắp các nẻo đường trong làng để cổ động bầu cử. Đoàn cổ động đi quanh làng hô vang khẩu hiệu: Nước Việt Nam độc lập muôn năm! Tôi vui lắm vì biết mình đã đủ tuổi và sắp được đi bầu cử". Điểm bầu cử đặt tại đình Cao Lý trong thôn. Ngày bầu cử nhân dân đến đông kín sân đình. Tất cả đều trật tự để nghe hướng dẫn bầu cử, đọc tiểu sử người ứng cử và chờ đến lượt mình vào bỏ phiếu. "Tôi còn nhớ 3 ứng cử viên đầu tiên có tên trên lá phiếu của mình là các đồng chí: Bùi Thị Diệm, Vũ Huy Hiệu, Nguyễn Công Hòa. Cầm lá phiếu mà thấy tự hào, thiêng liêng vô cùng bởi đó không chỉ là việc bầu người đại diện cho mình lo việc dân, việc nước mà là kết quả từ sự hy sinh xương máu của biết bao người”, cụ Sâm bồi hồi nhớ lại.

Lần đầu tiên được tham gia bầu cử vẫn in đậm trong trí nhớ của đảng viên 72 năm tuổi Đảng Nguyễn Đại Từ (sinh năm 1927), ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung (Nam Sách) - nguyên là cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách, một cán bộ tiền khởi nghĩa hiếm hoi còn lại ở huyện. Ngày đó chàng thanh niên Nguyễn Đại Từ có nhiệm vụ cùng cán bộ địa phương, dân quân du kích tham gia lực lượng tuyên truyền vận động, đến từng nhà vận động nhân dân đi bầu cử, nói rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử. Cụ Từ vẫn nhớ như in không khí của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tại địa phương: “Tại xã Minh Đức (xã Nam Trung và Nam Chính ngày nay), địa điểm được chọn để bỏ phiếu là đình Thụy Trà. Khu vực bỏ phiếu được chúng tôi trang trí cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ và một số biểu ngữ, khẩu hiệu. Tôi cầm chiếc loa được gò bằng sắt đi khắp nơi trong làng, trong xã để cổ vũ bà con ra đình bỏ phiếu. Để tiếng loa được vang xa, đến được với nhiều người, tôi trèo cả lên mái nhà, cổng làng hay ngọn cây để nói”.

Cầm lá phiếu trên tay, lần đầu tiên trong đời được tự tay mình chọn lựa những người xứng đáng bầu vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên ngày Tổng tuyển cử 6.1.1946 thật sự là một ngày hội. Cụ Từ kể: "Thời đó phần đông người dân chưa biết chữ nên chúng tôi phải phân công những người biết chữ trực tại khu vực bỏ phiếu để giúp cử tri đọc tên những người ứng cử. Cách mạng Tháng Tám thành công và toàn dân được tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã đem lại niềm tự hào, quyền làm chủ của mỗi người dân. Đấy là cuộc Tổng tuyển cử không bao giờ tôi quên".

Nêu gương

Ngày 23.5 này cũng là lần thứ 15 trong đời cụ Đặng Thị Nhì (sinh năm 1923) ở thôn Viên Chử, xã Kim Tân (Kim Thành) sẽ tự tay cầm lá phiếu bầu để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Nhớ lại những tháng ngày lầm than, đói khổ trước năm 1945, cụ Nhì xúc động: "Đảng và Nhà nước đã đem lại cho nhân dân cuộc sống no ấm, sung túc hơn rất nhiều". Rồi cụ mong mỏi, những đóng góp của các đại biểu dân cử sẽ tiếp tục đưa quê hương, đất nước phát triển lớn mạnh hơn. Tuổi cao nhưng cụ luôn nêu gương nhắc nhở con cháu làm tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong suốt các cuộc bầu cử. Nhận tấm thẻ cử tri từ cán bộ thôn trao, cụ xúc động và khẳng định sẽ bảo con cháu đưa tới nhà văn hóa thôn để trực tiếp tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này.

Là người cũng từng trải qua 14 lần đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại nhiều nơi, trong nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau của đất nước, cảm xúc về những lần đi bầu cử vẫn là những kỷ niệm đẹp không bao giờ phai trong tâm trí cụ Phạm Văn Sâm. "Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi vào kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI vào ngày 25.4.1976. Sau khi đất nước thống nhất, con trai tôi là Phạm Anh Tuấn đang đóng quân tại Quân khu 5 ở Quảng Ngãi - Bình Định được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự điểm bầu cử tại đơn vị. Đến gần ngày bầu cử, tôi rất xúc động khi nhận được lá thư của con trai báo tin tình hình sức khỏe, quá trình công tác và đặc biệt là động viên gia đình, nhắc nhở tôi đi bầu cử. Giờ đây, việc đi bầu cử đầy đủ, trách nhiệm đã trở thành truyền thống của gia đình tôi". Kỷ niệm gắn với trách nhiệm, cụ Sâm đã giáo dục con cháu nêu cao hơn nữa nghĩa vụ của cử tri đối với ngày hội lớn của đất nước. Chuẩn bị đến ngày bầu cử, cụ Sâm đã có những vần thơ để kỳ vọng vào kỳ bầu cử lần này: "Bầu là nghĩa vụ công dân/ Lại vui như hội mùa xuân, khác gì"...

 THU ÐẠT