Đổi thay nhờ đại biểu dân cử

Tin tức - Ngày đăng : 09:29, 23/05/2021

Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân đã được các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tiếp nhận, đeo bám đề xuất, kiến nghị để đi tới đích là được giải quyết.


Đơn vị thi công hạ ngầm đường dây 35 kV qua thị trấn Gia Lộc

Lắng nghe ý kiến cử tri

Quốc lộ 5 đi qua huyện Kim Thành nhiều năm qua luôn là điểm nóng về an toàn giao thông. Dọc quốc lộ có đông dân cư, nhiều doanh nghiệp, trường học nằm hai bên đường. Hằng ngày lưu lượng phương tiện, người qua lại rất lớn nhưng chưa có hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, người dân huyện Kim Thành đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm cải tạo, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các vị trí đông dân cư, có lối cắt qua đường sắt, quốc lộ 5.  Từ đó, năm 2020 tỉnh đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải lắp đặt 2 cụm đèn tín hiệu giao thông tại địa phận xã Cổ Dũng và Cộng Hòa. Riêng tuyến đường vào cụm công nghiệp Kim Lương, tỉnh đã kiến nghị và được Bộ Giao thông vận tải cho mở nút giao, huyện Kim Thành đã vận động xã hội hóa làm tuyến đường và mở nút giao, lắp đèn tín hiệu giao thông từ quốc lộ 5 vào cụm công nghiệp này. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 10tỷ đồng do Công ty TNHH Đóng tàu Huy Văn hỗ trợ. Nhiều năm qua, nhà bà Nguyễn Thị Phú ở thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa sống cạnh hai tuyến đường sắt và quốc lộ 5. Bà Phú cho biết trước đây mỗi lần sang đường bà rất sợ, nhất là vào giờ cao điểm khi ô tô, xe máy lưu thông nhiều, đi với tốc độ cao. "Giữa năm 2020, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại ngã ba Lai Khê được lắp đặt, chúng tôi đi lại không còn bất an, lo lắng như trước, tai nạn giao thông cũng giảm rõ rệt", bà Phú cho biết.

Tháng 4 vừa qua, người dân thị trấn Gia Lộc rất vui mừng khi đường dây 35 kV đi qua thị trấn đã được hạ ngầm, chấm dứt những tháng ngày lo sợ do phải sống dưới đường dây điện cao thế hàng chục năm qua. Ông Trương Văn Quảng ở phố Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc phấn khởi cho biết người dân nhiều năm qua sống dưới đường điện cao thế luôn thấp thỏm, bất an, không dám xây dựng nhà ở. Trên địa bàn cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do điện giật. Đã nhiều năm tại bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng đều kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm di chuyển đường dây cao thế ra khỏi khu vực nhân dân sinh sống. Đến nay, nguyện vọng của nhân dân đã được quan tâm giải quyết. Kết quả này có được từ sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, sự tận tâm, trách nhiệm của những đại biểu dân cử sau khi lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân. Đường dây 35 kV qua thị trấn Gia Lộc được hạ ngầm không chỉ giúp người dân có cuộc sống an toàn hơn mà còn góp phần thay đổi bộ mặt thị trấn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Ông Nguyễn Ngọc Ngợi ở xã Minh Tân (Nam Sách) đã từng ngày đêm phải canh chừng tàu, thuyền khai thác cát trái phép để bảo vệ đất thuê ven bãi sông Thái Bình. Nhiều diện tích đất bãi của bà con bị sạt lở khiến người dân rất bức xúc. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, người dân liên tục có ý kiến đề nghị tỉnh có giải pháp mạnh để chấm dứt tình trạng trên, đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh lân cận xử lý vi phạm ở khu vực giáp ranh. Từ cuối năm 2019 đến nay, nhờ sự tích cực vào cuộc của cơ quan chức năng, lực lượng công an, tình trạng khai thác cát trái phép tại xã Minh Tân đã giảm mạnh, cuộc sống của người dân trở lại bình yên. "Đổi thay này chính là nhờ sự quyết liệt của các cấp, các ngành, sự lắng nghe, kiên trì kiến nghị của đại biểu dân cử các cấp. Tình trạng khai thác cát trái phép giảm giúp người dân ven đê chúng tôi yên tâm sản xuất", ông Ngợi nói.

Từ sự quan tâm, lắng nghe của đại biểu dân cử các cấp, nhiều kiến nghị chính đáng của người dân đã kịp thời được giải quyết. Chương trình hỗ trợ xi măng cho các địa phương làm đường giao thông nông thôn được UBND tỉnh thực hiện từ năm 2012 theo Đề án "Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015". Giai đoạn 2016 - 2020, nhiều địa phương trong tỉnh tăng tốc về đích xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng và cần nhiều kinh phí. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, người dân nhiều địa phương đều đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ xi măng để địa phương có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng. Từ kiến nghị của cử tri, giai đoạn 2016-2020, chương trình hỗ trợ xi măng tiếp tục được tỉnh triển khai. Giai đoạn này, tỉnh đã cấp hơn 350.000 tấn xi măng (tương đương 372,5 tỷ đồng) để hỗ trợ các địa phương. Đến nay, gần 200 xã trong tỉnh đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. 

TRƯƠNG HÀ