Trung tâm Y tế TP Hải Dương ghi nhận ý kiến đóng góp của bệnh nhân chạy thận

Bạn đọc - Ngày đăng : 11:07, 26/05/2021

Ngày 26.4, khu vực chạy thận tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương bị mất điện đột xuất, ảnh hưởng đến bệnh nhân đang chạy thận, gây bức xúc.  


Bệnh nhân chạy thận tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương

Bạn đọc phản ánh ngày 26.4, trong lúc đang chạy thận tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương thì mất điện, không có bác sĩ nào xử lý máy móc, dẫn đến việc bệnh nhân chạy thận bị mất nhiều máu, gây nguy hiểm. Mặt khác, máy móc chạy thận tại trung tâm rất cũ kỹ, khi sử dụng không an toàn cho bệnh nhân. Bệnh nhân chạy thận lâu năm đã ý kiến nhiều lần về tình trạng này mà chưa có ai xử lý.

Phóng viên Báo Hải Dương đã làm việc với Ban Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hải Dương về nội dung trên. Lãnh đạo trung tâm cho biết sáng 26.4, tại trung tâm và khu vực dân cư lân cận bị mất điện đột xuất. Thời điểm này, trung tâm đang chạy thận nhân tạo cho 15 bệnh nhân.

Trong một ca chạy thận cho 15 bệnh nhân (mỗi bệnh nhân sử dụng 1 máy chạy thận), trung tâm đã bố trí 1 bác sĩ và 3 kỹ thuật viên theo đúng quy định. Khi mất điện đột xuất, bác sĩ và các kỹ thuật viên trực ca phải xử lý các máy bằng tay để giữ dịch và máu của bệnh nhân hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Ngay sau khi mất điện, bác sĩ phụ trách khoa đã xin thêm nhân viên y tế khoa khác đến hỗ trợ các máy chạy thận theo quy định. Trong thời gian chờ nhân lực hỗ trợ, nhân viên y tế tại khoa thận phải xử lý từng máy nên có máy phải chờ đợi. Thời gian mất điện chỉ kéo dài trong 7 phút nên dù có một số bệnh nhân phải chờ song cũng không gây mất máu nhiều và nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Phương, phụ trách đơn vị chạy thận nhân tạo Trung tâm Y tế TP Hải Dương, trực tiếp xử lý các máy chạy thận khi xảy ra sự cố mất điện vào sáng 26.4 cho biết: Khi mất điện, áp lực trong ống dẫn máu tăng lên, vì vậy khi nhân viên y tế xử lý không tránh được việc rơi ra ngoài một lượng máu nhất định. Tuy nhiên, lượng máu này rất ít, chỉ tương đương với lượng máu lấy cho một lần làm xét nghiệm thông thường của bệnh nhân nên không hề ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi máu rơi ra sàn nhà, cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều quan sát được nên không có việc bác sĩ giấu giếm bệnh nhân. Khi xử lý tình huống mất điện vào ngày 26.4 vừa qua cũng như các lần mất điện khác, đơn vị chạy thận nhân tạo của trung tâm đều ưu tiên xử lý máy chạy thận cho bệnh nhân sức khỏe yếu, cao tuổi trước, sau đó mới đến người trẻ, sức khỏe tốt hơn. Do đó, trong điều kiện chưa huy động kịp nhân lực hỗ trợ, không tránh khỏi việc có người bệnh phải chờ đợi. 

Lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Hải Dương khẳng định đây là sự cố khách quan và bất khả kháng, trung tâm đã có phương án hỗ trợ khoa thận khi mất điện. Tuy nhiên, do mất điện đột xuất và diễn biến nhanh, trung tâm không bố trí kịp nhân lực dẫn đến một số hạn chế theo phản ánh của người bệnh. Trung tâm Y tế TP Hải Dương ghi nhận ý kiến đóng góp và sẽ bố trí cụ thể hơn về nhân lực để hỗ trợ đơn vị chạy thận kịp thời khi xảy ra sự cố mất điện đột xuất.  

Qua tìm hiểu của phóng viên, lãnh đạo Điện lực TP Hải Dương xác nhận vào sáng 26.4 có xảy ra sự cố mất điện đột xuất trong thời gian khoảng 7 phút tại khu vực Bệnh viện Tân Kim, trùng khớp với khẳng định của lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Hải Dương. Ngoài ra, một số bệnh nhân chạy thận lâu năm tại đơn vị cho biết việc chạy thận của trung tâm cơ bản bảo đảm yêu cầu, việc xử lý sự cố mất điện đột xuất vào sáng 26.4 cũng có người phải chờ đợi song không gây nguy hiểm cho bệnh nhân.  

Về phản ánh máy chạy thận của trung tâm cũ, không bảo đảm chất lượng, lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Hải Dương cho biết máy chạy thận nhân tạo đưa vào hoạt động được 6 năm. Đến nay, số giờ hoạt động của các máy đạt từ 18.000-20.000 giờ/máy, trong khi số giờ quy định tối đa 25.000 giờ/máy. Mặt khác, hằng năm tất cả các máy chạy thận của trung tâm đều được bảo dưỡng, kiểm định bởi Công ty CP Máy lọc thận Việt Nam, đánh giá đủ điều kiện an toàn về kỹ thuật lọc máu chu kỳ tại cơ sở.

PV