Ninh Giang bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Di tích - Ngày đăng : 13:40, 26/05/2021
Huy động kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa, cổng di tích đền Tranh đang dần được hoàn thiện
Di tích đền Tranh ở xã Đồng Tâm thờ quan lớn Tuần Tranh là một trong những di tích lớn của huyện Ninh Giang. Từ năm 2015 đến nay, địa phương đã đầu tư tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục, công trình ở đây với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Trong đó, trung ương hỗ trợ 5 tỷ đồng, còn lại là nguồn công đức, xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết để việc quản lý tiền công đức được minh bạch, từ nhiều năm nay UBND xã đã thành lập Ban Quản lý di tích với 15 thành viên, lắp đặt hệ thống camera giám sát. Hằng năm, dựa vào tình hình thực tế của di tích, địa phương xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo để trình các cấp có thẩm quyền và thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chùa Hưng Long ở xã Vĩnh Hòa được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2010, trải qua thời gian dài, một số hạng mục đã xuống cấp. Đặc biệt những năm gần đây, công trình nhà mẫu 13 gian bị sập mái nhiều gian. Xã đã nhanh chóng xây dựng hồ sơ, kế hoạch trình cấp có thẩm quyền cho phép tu bổ, tôn tạo di tích và cùng sư trụ trì phối hợp vận động người dân đóng góp kinh phí. Nhân dân địa phương đã đóng góp trên 1,5 tỷ đồng để tu bổ công trình.
Hầu hết các di tích ở huyện Ninh Giang đều đã lâu năm nên mang giá trị lớn về văn hóa, lịch sử. Theo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, trong giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã tu bổ trên 20 lượt di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ nguồn xã hội hóa.
Cùng với những hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích, những năm qua việc phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa cũng được huyện quan tâm. Trong đó phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và lễ hội là giải pháp được địa phương ưu tiên thực hiện.
Trên địa bàn huyện hiện có trên 200 lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ hằng năm. Một số lễ hội lớn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia như lễ hội đền Tranh (xã Đồng Tâm), lễ hội đình Trịnh Xuyên (xã Nghĩa An), lễ hội chùa Trông (xã Hưng Long)... Các trò chơi dân gian như pháo đất, vật dân tộc, kéo co, cờ người... được đưa vào lễ hội nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội.
Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, loại hình du lịch tìm hiểu danh nhân, tham quan di tích lịch sử đang là lợi thế của huyện, đã và đang được khai thác tốt. Huyện phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tổ chức nhiều tour du lịch trải nghiệm hấp dẫn và mang ý nghĩa giáo dục lịch sử, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan ở các di tích như đền Tranh, đền thờ Khúc Thừa Dụ, khu tượng đài Bác Hồ ở xã Hiệp Lực, chùa Trông, phường múa rối nước xã Hồng Phong... Huyện cũng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch in ấn, phát hành 15.000 tờ gấp, quảng bá về tiềm năng du lịch gắn với di tích trên địa bàn, góp phần tăng sức hấp dẫn tới du khách trong và ngoài nước. Địa phương cũng tăng cường liên kết, phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương để tuyên truyền tới người dân ý thức bảo tồn và phát huy giá trị các di tích...
TRƯỜNG THÀNH