Triển khai thí điểm mô hình "Công dân học tập": Cần điều chỉnh tiêu chí phù hợp

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:37, 27/05/2021

Cùng với nhiều địa phương, Hải Dương đang triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” như một bước để cụ thể hóa các mô hình học tập trước đây.


Mục đích của mô hình công dân học tập là thúc đẩy tinh thần tự học suốt đời trong mỗi người dân. Trong ảnh: Chị Phạm Thúy Hằng ở xã Kim Đính (Kim Thành) từng ngày tích lũy kiến thức để đạt và duy trì danh hiệu

Mục đích hay

Tháng 4.2020, Thủ tướng Chính phủ giao Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì đề án xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030. Hội đã xây dựng và phát động triển khai thí điểm tại các địa phương vào tháng 11.2020.

Tại Hải Dương, Hội Khuyến học tỉnh đã chọn TP Hải Dương, Kim Thành và Thanh Miện để triển khai, nhằm khuyến khích tinh thần tự học tập suốt đời của mỗi công dân.

Để làm được điều này, mô hình công dân học tập đã đưa ra 10 tiêu chí dựa trên 3 năng lực cốt lõi nhằm đánh giá 3 nhóm đối tượng cụ thể là: nông dân và lao động nông thôn; công nhân khu công nghiệp, lao động tiểu thủ công; nhóm lao động trí thức.

10 tiêu chí dựa trên 3 năng lực cốt lõi gồm: Năng lực tự học và học tập suốt đời, trong đó có 4 tiêu chí, đáng chú ý là công dân phải dành thời gian đọc sách báo, cập nhật thông tin trên báo, đài và biết xây dựng kế hoạch học tâp tại cộng đồng, trung tâm dạy nghề hoặc trung tâm ngoại ngữ - tin học… Năng lực thứ 2 là sử dụng những công cụ tương tác, trong đó có 4 tiêu chí, đáng chú ý là công dân biết sử dụng thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại; biết sử dụng ngoại ngữ để phục vụ công việc… Năng lực thứ 3 là xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội, gồm 2 tiêu chí là hòa đồng với mọi người trong thôn, xóm, tổ dân phố; biết hợp tác, chia sẻ trong sản xuất, kinh doanh. 10 tiêu chí ứng với thang điểm 100, người được đánh giá là công dân học tập phải đạt 80 điểm trở lên và được công nhận là “Công dân tiêu biểu” khi giữ vững danh hiệu công dân học tập 5 năm.

Ngay khi được chọn, Kim Thành đã triển khai thí điểm tại các xã Kim Anh, Kim Đính và Kim Tân. Ông Nguyễn Trọng Khiên, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện cho biết sau khi triển khai tại địa phương, các cá nhân tham gia mô hình thí điểm đều được đánh giá đạt, trong đó 66,7% số người đạt từ 94-97 điểm.

Ông Khiên đánh giá, mô hình công dân học tập là hạt nhân của xã hội học tập và là cách để cụ thể hóa các mô hình học tập trước đây. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập trước hết phải có những công dân học tập.

Người dân chưa mặn mà

Là người trực tiếp tham gia thí điểm mô hình, chị Phạm Thúy Hằng ở xã Kim Đính (Kim Thành) cho biết mô hình phù hợp với xu thế, yêu cầu của thời đại bởi thúc đẩy quá trình học tập trong mỗi cá nhân. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý kiến tích cực như chị Hằng. Nhiều người dân khi được hỏi không mấy mặn mà. Theo báo cáo sơ kết từ 3 địa phương cho thấy, gần 100 cá nhân tham gia thí điểm mô hình đều có điểm đạt.

Theo bà Nguyễn Thị Kiệm, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hải Dương, bộ tiêu chí đề cập đến những năng lực và phẩm chất ai cũng có, nhưng để đạt được thì không dễ. Kết quả hiện tại mới là thí điểm, các địa phương thường lựa chọn hoặc vận động những người đã cơ bản có đủ tiêu chí để tham gia. Vì vậy, khi triển khai toàn dân cần xem xét lại các tiêu chí cho phù hợp, ngoài các đối tượng còn phải phân theo từng độ tuổi.

Ông Bùi Công Tráng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thanh Miện cho biết những tiêu chí trong việc đánh giá năng lực về sử dụng tin học và ngoại ngữ dành cho đối tượng là nông dân khó đạt được.

Một số ý kiến khác cho rằng chỉ số đánh giá kỹ năng trong bộ tiêu chí đưa ra còn chung chung và cần có cơ chế khích lệ người dân tham gia mô hình. Việc người dân chưa mặn mà rất có thể dẫn đến tình trạng xét công nhận danh hiệu kiểu "cho có". 

PHÚC MINH