Từ 1.6, nhiều chính sách mới có liên quan đến an sinh xã hội sẽ có hiệu lực
Tư vấn - Ngày đăng : 09:18, 30/05/2021
Có thể tra cứu thông tin Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm
Chính phủ ban hành Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về Bảo hiểm, trong đó, cá nhân có thể khai thác nhiều thông tin BHXH, BHYT, BHTN... có hiệu lực từ ngày 1.6.2021.
Cụ thể, cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác trong CSDLQG về bảo hiểm nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật. Các thông tin trong CSDLQG về Bảo hiểm bao gồm: Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh.
Thông tin liên hệ của công dân.
Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ…
Nhóm thông tin về BHXH: Mã số BHXH; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan BHXH quản lý…
Nhóm thông tin về bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu…
Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng…
Nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế…
Nhóm thông tin cơ bản về y tế. Nhóm thông tin về an sinh xã hội.
Như vậy, cá nhân có thể tra cứu các thông tin về BHXH như loại đối tượng BHXH; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;... và nhiều thông tin khác của mình trên CSDLQG về Bảo hiểm.
Mẫu phiếu đăng ký tìm việc làm dành cho người lao động áp dụng từ 1.6.2021
Phiếu đăng ký tìm việc làm (dành cho người lao động) được ban hành kèm theo Nghị định 23/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2021).
Theo đó, Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận, lập hồ sơ các cá nhân đến đăng ký dịch vụ việc làm theo các Mẫu số 01, 01a Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 23/2021, gồm:
- Mẫu 01/PLI: Phiếu đăng ký (dành cho người lao động).
- Mẫu 01a/PLI: Phiếu đăng ký tìm việc làm (dành cho người lao động). Người lao động khi thực hiện điền phiếu đăng ký tại Mẫu 01/PLI với mục đích đăng ký tìm việc thì bổ sung thông tin tại Mẫu 01a/PLI.
Xin chú ý, khi điền Mẫu 01a/PLI: Người lao động điền thông tin vào “........” và tích “X” vào [ ] tương ứng với nội dung trả lời.
Mã số do trung tâm dịch vụ việc làm ghi (trùng với mã số của người lao động đăng ký ở Mẫu số 01/PLI). Mã nghề do trung tâm dịch vụ việc làm ghi, mã hóa.
Các trường hợp miễn thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài
Các trường hợp miễn thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài được quy định tại Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT bao gồm: Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học bằng ngân sách Nhà nước. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ thời điểm ngày 1.7.2019.
Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1.6.2021 và thay thế Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT, Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT.
Mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Thông tư 29/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 15.6.2021.
Theo đó, nội dung và mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông như sau:
Chi tổ chức thẩm định sách giáo khoa gồm chi thuê hội trường, phòng họp, trang thiết bị phục vụ cho các cuộc họp thẩm định (nếu có)… theo thực tế phát sinh.
Chi giải khát giữa giờ áp dụng mức chi nước uống tổ chức các cuộc hội nghị theo Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28.4.2017.
Chi thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ dành cho thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình họp thẩm định (trong trường hợp không có điều kiện bố trí mà phải đi thuê) theo mức chi tại Thông tư 40/2017.
Chi phụ cấp tiền ăn cho thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình họp thẩm định: Chi phù hợp với phụ cấp lưu trú được quy định tại Thông tư 40/2017 và văn bản hướng dẫn Thông tư 40/2017.
Chi tiền công họp thẩm định: Đối với Chủ tịch Hội đồng thẩm định tối đa 200.000 đồng/người/buổi. Đối với Phó Chủ tịch, ủy viên, Thư ký Hội đồng thẩm định tối đa 150.000 đồng/người/buổi.
Chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp cho thành viên Hội đồng thẩm định tối đa 50.000 đồng/người/tiết. Chi tiền công chuyên gia mức chi tiền công xin ý kiến chuyên gia tối đa 50.000 đồng/tiết/cá nhân (cơ quan, đơn vị, tổ chức).
Đấu đấu giá, chuyển nhượng kho số viễn thông, tên miền Internet
Theo Quyết định 16/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.6.2021 quy định về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet; chuyển nhượng quyển sử dụng kho số viễn thông được phân bổ thông qua đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet như sau:
Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông, tổ chức được phép sử dụng kho số viễn thông. Tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông. Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan tới hoạt động đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet.
Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá được quy định trong Quy chế đấu giá và công bố công khai cho người tham gia đấu giá biết. Phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên.
Thù lao dịch vụ đấu giá và chi phí đấu giá tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 66 Luật Đấu giá tài sản và các quy định liên quan của Bộ Tài chính.
Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Sau khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch tổ chức đấu giá kho số viễn thông, tên miền Internet, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá thuê Tổ chức đấu giá tài sản để tổ chức cuộc đấu giá theo quy định của pháp luật. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được thực hiện theo Điều 56 Luật Đấu giá tài sản.
Trường hợp không lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thành lập Hội đồng đấu giá tài sản. Hội đồng đấu giá tài sản gồm 3 thành viên trở lên; Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc người được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ủy quyền; thành viên của Hội đồng là đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, đại diện cơ quan khác có liên quan. Hội đồng đấu giá tài sản có thể ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản để cử đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá.
Theo Báo Tin tức