Đến bao giờ giấy khen lại trở về với "sứ mệnh" vốn có ngày xưa?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 16:53, 30/05/2021
Cuối năm học, mạng xã hội bao giờ cũng ngập tràn giấy khen của các cháu với đủ loại danh hiệu. Sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi nếu tấm giấy khen ấy phản ánh đúng thực chất năng lực và nỗ lực của học sinh suốt một năm dài miệt mài học tập. Vậy nhưng, đằng sau những tờ giấy hoa mỹ ấy lại lắm chuyện buồn cười.
Hai năm triển khai Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng xôn xao dư luận với những danh hiệu khen lạ lẫm, nào là "Học sinh đạt danh hiệu khen toàn diện", "Học sinh đạt danh hiệu khen từng mặt"…
Rồi sau đó là Thông tư 22 tiếp tục "làm khó" phụ huynh với những danh hiệu dài đằng đẵng như: "Có thành tích vượt trội về môn tiếng việt, khoa học, lịch sử địa lý, tiếng anh, đạo đức, âm nhạc, thể dục và rèn luyện năng lực phẩm chất" hoặc là "Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học, Ứng xử thân thiện - Biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè".
Sự rườm rà, rắc rối nảy sinh trong chính những lời khen tặng được ghi uốn lượn trong giấy khen làm chúng ta hoa cả mắt. Ngay đến các cháu tiểu học, nội hàm các khái niệm đó các cháu còn chưa hiểu, chưa thông thì đòi hỏi các cháu phải tự hào với danh hiệu, thành tích mình đạt được có vẻ là điều gượng ép.
Lâu nay, danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta tương ứng với những nấc thang thành tích mà con em đạt được. Lý giải rằng Thông tư 30 rồi Thông tư 22 đánh giá một cách nhân văn về học sinh tiểu học, tôi nghĩ điều đó có phần khập khiễng.
Tìm ưu điểm riêng biệt của học sinh để khen thưởng theo kiểu động viên, khuyến khích đúng là nhân văn. Nhưng đằng sau sự nhân đạo trong đánh giá đó lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Mỗi học sinh - một tờ giấy khen khác gì đánh đồng năng lực, phẩm chất của các cháu? Cố gắng học tập hay không cố gắng cũng đều có giấy khen vì cô giáo có nhiệm vụ "tìm ưu điểm" của bạn lười học để tặng giấy khen. Có năng lực hay không có năng lực cũng đều được khen vì đã có những khía cạnh khác bù vào.
Mỗi học sinh - một tờ giấy khen vô hình trung đánh mất giá trị vốn có của nó. Chúng tôi còn nhớ như in thế hệ 7x, 8x về trước, giấy khen là cả một niềm ao ước và hãnh diện.
Một lớp học khoảng bốn mươi bạn thì số bạn được giấy khen và phần thưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần phát thưởng cuối năm, được gọi tên lên nhận thưởng chẳng khác gì bước lên đỉnh cao vinh quang khiến bạn bè trầm trồ, ngưỡng mộ.
Và khi vuột mất danh hiệu thi đua, chúng tôi nhìn tờ giấy khen trong tay chúng bạn mà tiếc nuối, ao ước và tự nhủ sang năm sẽ phấn đấu nhiều hơn, nỗ lực hơn nữa. Những tấm giấy khen ngày xưa luôn được nâng niu ép kính, lồng khung và trân trọng treo lên tường, dán lên tủ thành niềm tự hào vô bờ của gia đình.
Giờ đây, giấy khen nhiều vô kể, ai cũng như ai có đều nên dường như mất hết giá trị. Giấy khen đang "mất giá" một cách trầm trọng và "trượt giá" một cách thê thảm. Nó là hậu quả lâu dài của căn bệnh thành tích trong giáo dục và sự ảo tưởng của xã hội.
Mỗi học sinh - một tờ giấy khen phản ánh thực trạng "lạm phát" giấy khen đang ngày càng nở rộ ở nước ta và có vẻ như năm sau lại tăng nhiều hơn năm trước. Đến bao giờ giấy khen lại trở về với "sứ mệnh" vốn có ngày xưa?
Khi mà Thủ tướng Chính phủ vừa đặc biệt gửi gắm giáo dục phải "học thật, thi thật, nhân tài thật" thì có lẽ đến lúc thực trạng "Mỗi học sinh - một tờ giấy khen" cần phải đổi thay!
Theo Dân trí