Yêu cầu về hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:00, 01/06/2021
1. Hồ sơ đăng ký tham gia
- Hồ sơ này do các chủ thể tham gia OCOP (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ thể sản xuất...) chuẩn bị. UBND cấp huyện hướng dẫn kiểm tra, giám sát.
- Hồ sơ có 5 yêu cầu bắt buộc, gồm phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm; phương án kế hoạch kinh doanh sản phẩm; giới thiệu bộ máy sản xuất; giấy đăng ký kinh doanh; mẫu sản phẩm.
- Yêu cầu tài liệu chứng minh bổ sung gồm giấy đủ điều kiện sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố. Mã số vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm. Nguồn gốc nguyên liệu, liên kết chuỗi, chứng nhận bảo vệ môi trường. Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, kiểm soát chất lượng, hoạt động kế toán cơ sở. Phát triển thị trường, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Câu chuyện về sản phẩm, kế hoạch kiểm soát chất lượng, hồ sơ sản xuất. Giải thưởng của sản phẩm, bình chọn của các tổ chức trong nước và quốc tế uy tín.
2. Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Hồ sơ do UBND cấp huyện chuẩn bị, gồm công văn gửi UBND tỉnh đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; biên bản đánh giá của hội đồng cấp huyện và hồ sơ sản phẩm.
3. Hồ sơ đề nghị đánh giá sản phẩm cấp quốc gia
- Hồ sơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới là đơn vị tham mưu) chuẩn bị. Hồ sơ bao gồm biên bản của hội đồng đánh giá Trung ương, dự thảo quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia, hồ sơ sản phẩm, các văn bản xác nhận kiểm tra hồ sơ bổ sung (nếu có).
+ Các chủ thể OCOP có thể đăng ký sản phẩm để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên, liên tục. Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.
NGUYỄN MƠ (tổng hợp)