Hấp dẫn trà sen Kiếp Bạc
Ẩm thực - Ngày đăng : 07:13, 02/06/2021
Những bông hoa sen hồ Kiếp Bạc dùng để ướp chè được ngắt từ sáng sớm mới hấp thu đầy đủ sự tinh túy của đất trời
Bốn hương vị trà khác nhau
Tháng 5 là thời điểm hồ sen đền Kiếp Bạc rộng 6,5 ha (nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc) đua nhau khoe sắc thắm. Từ tháng 5 đến khoảng tháng 8 là mùa sen nở. Đây cũng là khoảng thời gian mà các nhân viên Ban Quản lý di tích ở đây bắt đầu với công việc làm trà sen để phục vụ du khách.
Từ sáng sớm, khi những giọt sương còn đọng trên lá, chị Nguyễn Thị Dung, nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cùng một số đồng nghiệp của mình đã chèo thuyền khắp mặt hồ để hái những bông sen “đạt chuẩn”. “Phải hái vào sáng sớm trước khi mặt trời lên cao vì đây là thời điểm cây sen hấp thu được tất cả những gì tinh túy nhất của trời đất. Để ướp trà ngon, cần chọn những lá sen bánh tẻ, bông sen hé nở vừa phải, nụ to, cánh dầy và để cả cành”, chị Dung thông tin.
Những kiến thức về các công đoạn ướp trà sen mà chị Dung và các nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc học được là do một nghệ nhân trà sen nổi tiếng ở Hồ Tây (Hà Nội) truyền dạy cách đây 2 năm. Chè dùng để ướp cùng hoa sen là chè Thái Nguyên chính hiệu, được tuyển chọn kỹ càng, chất lượng. Công đoạn ướp trà sen khá tỉ mỉ, công phu. Đầu tiên, chè được bọc trong lá sen để ủ trong 24 tiếng. Theo giới chuyên môn, đây là bước để “đánh thức” trà. Bước tiếp theo là cho chè vào giữa bông hoa sen rồi tiếp tục dùng lá sen bọc bông hoa sen lại, cắm trong chậu nước để trong 24 giờ tiếp theo. Lúc này, hương thơm tinh khiết của hoa sen sẽ từ từ thẩm thấu vào từng cánh chè. Công đoạn cuối cùng, dùng kéo cắt lấy phần bông cho trong túi nilon, hút chân không, để trong tủ lạnh trong 3 ngày là có thể mang ra sử dụng.
Nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã thuần thục với các công đoạn ướp trà
Ngoài trà ướp lạnh, Ban Quản lý di tích còn cho ra đời sản phẩm trà khô ướp sen. Đây là loại trà cũng được ướp trong bông hoa sen. Sau thời gian đủ lâu sẽ đem sấy khô rồi đóng thành hộp, kết hoa bắt mắt, phù hợp để du khách làm lễ dâng Đức Thánh Trần, vừa làm quà rất có ý nghĩa.
Sự thú vị, hấp dẫn của trà sen Kiếp Bạc không chỉ nằm ở công đoạn pha ướp tỉ mỉ, công phu mà còn cả nguồn nước dùng để pha trà. Nước dùng để pha trà sen được lấy từ giếng Mắt Rồng ở sân đền Kiếp Bạc. Nếu như trà bình thường chỉ pha với 1-2 lần nước thì trà sen Kiếp Bạc phải pha tới 4 lần mới đậm đà, thơm ngon. Nước đầu để đánh thức trà, nước hai đậm vị, nước ba bỏ thêm gạo sen, nước thứ 4 xé đài sen thêm vào rồi mới đổ nước. Bốn nước trà cho bốn hương vị khác nhau, để lại dư vị thanh tao, tinh khiết, khó quên cho những ai lần đầu được thưởng thức.
Trà sen Kiếp Bạc pha 4 nước mới cảm nhận hết sự thơm ngon, tinh tuý
Năm 2019, những sản phẩm trà sen Kiếp Bạc đầu tiên được ra đời nhưng gần như ngay lập tức đã tạo được ấn tượng với nhân dân và du khách thập phương. Họ ấn tượng không chỉ bởi cách chế biến trà sen mà còn thích thú bởi không gian ngồi thưởng thức. Anh Trần Đức Phúc ở TP Phủ Lý (Hà Nam) lần đầu được thưởng thức trà sen bộc bạch: “Thực sự là rất ngon, uống thấy có vị ngọt và thơm mát. Tôi chưa bao giờ được uống thứ nước trà nào hấp dẫn như vậy. Rất đặc sắc”.
Bên dưới những tán cây ở vườn hoa phía trước đền Kiếp Bạc và ngay cạnh hồ sen, Ban Quản lý di tích bố trí những chiếc bàn làm bằng tre nứa để du khách ngồi thưởng thức. “Về vùng đất thiêng, được đắm mình trong không gian cổ kính, lại được hít hà, thưởng thức trà sen thơm ngát tự nhiên khiến tâm hồn tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng, thanh thản”, chị Nguyễn Ngọc Ánh đến từ Hà Nội chia sẻ cảm nhận.
Ngồi thưởng thức trà sen ngay tại khuôn viên di tích Kiếp Bạc khiến lòng người thư thái lạ thường
Sản phẩm du lịch đặc thù
Trà sen Kiếp Bạc đã được nhiều người dân, du khách ở trong và ngoài tỉnh biết đến. Năm 2020, chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội lần đầu thưởng thức trà sen Kiếp Bạc thấy đặc biệt nên đã đặt mua cùng lúc 5.000 túi về làm quà tặng cho cán bộ, nhân viên. Hai năm nay, mỗi lần về chiêm bái tại đền Kiếp Bạc vào mùa sen nở, nhiều người không quên mua trà sen ở đây về dâng cúng tổ tiên hoặc làm quà.
Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc Nguyễn Thị Thùy Liên cho biết hiện trà sen Kiếp Bạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu; được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Dương chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh. Với những thành công bước đầu, đơn vị đã xin ý kiến cấp trên và phối hợp đơn vị liên quan để đưa trà sen Kiếp Bạc trở thành sản phẩm du lịch đặc thù.
Sản phẩm trà sen Kiếp Bạc được trang trí bắt mắt dùng để dâng cúng Đức Thánh Trần
Cụ thể hóa mục tiêu trên, mới đây, Ban Quản lý di tích đã mở gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch trà sen Kiếp Bạc. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu và trực tiếp thẩm trà, đàm đạo. Đơn vị còn trưng bày, giới thiệu và bán các đặc sản theo mùa mang đặc trưng của các địa phương của Hải Dương để phục vụ du khách. Trước mắt là giới thiệu các sản phẩm của TP Chí Linh, TP Hải Dương và thị xã Kinh Môn như: vải khô, nhãn khô, na, mật ong rừng, ngô non sất, lạc, vừng, tỏi đen, rượu tỏi, miến tỏi, gạo nếp cái hoa vàng, rượu nếp cái, bột sắn dây, bánh đậu xanh, bánh khảo...
Bà Liên khẳng định trà sen Kiếp Bạc có đủ điều kiện để xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc thù. Hiện nay, các hồ khác xung quanh đền Kiếp Bạc cũng đã được cấy sen. Nhân viên ở đây cũng đã thuần thục kỹ thuật ướp trà sen. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lượng khách thường xuyên về khu di tích sẽ rất đông. Đây là điều kiện thuận lợi để chắp cánh cho trà sen Kiếp Bạc sớm trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nói riêng, của tỉnh Hải Dương nói chung.
TIẾN MẠNH – HUYỀN ANH