110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: "Theo chân Bác" ở Trung Quốc
Chính trị - Ngày đăng : 13:00, 05/06/2021
Từ ngày 6.1-7.2.1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua rất nhiều nơi trên thế giới.
TP Liễu Châu thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (tỉnh Quảng Tây), miền Nam Trung Quốc, là một trong những địa điểm ghi nhiều dấu ấn hoạt động cách mạng của Người ở nước ngoài.
Trong thời gian hoạt động tại Liễu Châu và Quảng Tây, Người đã phải trải qua những năm tháng tù đày gian khổ.
Khi đó, Người đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy vai trò trung kiên chống đế quốc Pháp, chống quân phiệt Nhật trong các đảng phái thuộc Hội đồng minh cách mạng Việt Nam; tổ chức các lớp bồi dưỡng huấn luyện, đào tạo ra một lực lượng lớn cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng Việt Nam.
Quãng thời gian hoạt động của Người tại đây cũng luôn gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân TP Liễu Châu nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung.
Những dấu tích lịch sử hoạt động của Người ở Liễu Châu từ lâu đã trở thành di sản văn hóa và là điểm giao lưu hữu nghị vô cùng quý báu của nhân dân hai nước Việt-Trung.
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch (19.5.1890-19.5.2021), tại Nhà ở cũ của Người tại TP Liễu Châu, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Văn phòng ngoại sự TP Liễu Châu, Đài phát thanh-truyền hình Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây đã cùng long trọng tổ chức hoạt động “Theo chân Bác,” tái hiện một phần hành trình đầy xúc động trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người ở Trung Quốc.
Trong lời phát biểu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh khi đó, ông Hoàng Ngọc Vinh, đã ôn lại công lao hết sức to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đối với quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc; nhấn mạnh rằng trong suốt chiều dài lịch sử của cuộc đấu tranh giành chính quyền, cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước ngày nay, nhân dân hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau, sát cánh chiến đấu, kết thành mối tình hữu nghị thắm thiết, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Các đại biểu đã cùng xúc động lắng nghe nhiều câu chuyện về những lần Người tới Liễu Châu để tiến hành hoạt động cách mạng, thăm và tận mắt chứng kiến những di tích, kỷ vật lịch sử gắn liền với quãng thời gian Bác Hồ ở Liễu Châu.
Nhà ở cũ của Hồ Chủ tịch hiện là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật và chứng tích quan trọng trong nhiều lần Hồ Chủ tịch tới Liễu Châu để tiến hành hoạt động cách mạng, với nhiều dấu ấn sâu sắc mà Người đã để lại.
Từng kỷ vật, từng dấu tích tại những nơi Người từng sống và làm việc đều như gợi lại những hình ảnh đầy sống động, ngập tràn cảm xúc trân quý về quãng thời gian hoạt động cách mạng đầy gian khổ của Bác Hồ tại Quảng Tây.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết: “Có thể nói, giai đoạn Bác Hồ hoạt động ở Liễu Châu là dài nhất, gian khổ nhất trong quãng đời hoạt động của Người ở nước ngoài, trong đó có giai đoạn Bác bị tù đày. Đây cũng là giai đoạn thể hiện ý chí quật cường, chịu đựng gian lao của Bác, thể hiện trong những vần thơ của tập Nhật ký trong tù”.
Tọa lạc tại số 2-1 phố Liễu Thạch, trung tâm phố cổ của TP Liễu Châu, Nhà ở cũ của Bác Hồ là một căn nhà hai tầng có kết cấu gạch gỗ kiểu Trung Quốc, được xây dựng vào năm 1930 trên nền đất rộng 182m2, với diện tích rộng 364m2. Tên gọi cũ của ngôi nhà này là Nhà trọ Nam Dương.
Sau khi được chính quyền Tưởng Giới Thạch trả tự do ngày 10.9.1943, Người đã thuê một căn phòng nhỏ phía Đông trên tầng 2 của nhà trọ này dưới chân núi Ngư Phong để tham gia một số công việc của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội thành lập ở Liễu Châu và hoạt động cho tới tháng 9.1944.
Ông Ôn Kỳ Châu, nguyên Chủ nhiệm Phòng quản lý Nhà ở của Hồ Chủ tịch, kể về những lần Người tới Liễu Châu để hoạt động cách mạng. (Ảnh: Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh cung cấp)
Tầng 1 trong di tích Nhà ở cũ của Người có một tấm biển ghi nội dung: “Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh tại Liễu Châu là ngôi nhà quan trọng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Liễu Châu và triển khai các hoạt động cách mạng vào tháng 9.1943 đến tháng 8.1944… Nhà ở cũ và những địa chỉ cách mạng cũ đã trở thành một nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt và là căn cứ triển khai giáo dục truyền thống cách mạng chủ nghĩa quốc tế.”
Ở trên tường lối lên tầng 2 treo tấm bản đồ đánh dấu những nơi Người từng bị giam giữ ở Quảng Tây, với nội dung: “Tháng 8.1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam bí mật đến Trung Quốc, khi vượt qua biên giới Việt-Trung đến thị trấn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo (nay là huyện Đức Bảo) thì bị cảnh sát Quốc dân đảng bắt giữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bị giam cầm tại hơn 10 nhà lao ở Quảng Tây. Đây là bản đồ hành trình qua các nhà tù, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị giam giữ ở Quảng Tây”.
Ngay cạnh tấm bản đồ này là ảnh núi Bàn Long, gồm ảnh miệng hang và nhà tù trong hang, với chú thích ảnh: “Ngày 9.12.1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị áp giải tới Liễu Châu, bị giam giữ tại hang núi dùng để giam giữ quân nhân của Chiến khu 4 Quốc dân đảng tại núi Bàn Long, Liễu Châu.”
Trên tầng 2 có tấm biển viết nội dung: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, sự nghiệp hòa bình thế giới và thúc đẩy phát triển mối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt, nhân dân Trung Quốc mãi mãi kính trọng và tưởng nhớ Người".
Năm 1996, chính quyền TP Liễu Châu lưu giữ và đặt tên cho di tích này là Nhà ở cũ của Hồ Chủ tịch để kỷ niệm lịch sử hoạt động của Người tại Liễu Châu và truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Năm 1997, chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tuyên bố Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh là đơn vị bảo hộ văn vật cấp tỉnh. Di tích này mở cửa cho khách vào tham quan từ năm 2001.
Năm 2006, Nhà ở cũ của Người được Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc nâng cấp, phê chuẩn là đơn vị bảo tàng trọng điểm toàn quốc Trung Quốc.
Hiện tòa nhà này đang được chính quyền TP Liễu Châu gìn giữ bảo quản hết sức trân trọng và mở cửa cho khách tham quan. Mỗi tháng có khoảng 4.000 người tới tham quan di tích lịch sử này.
Theo TTXVN