Làm gì để phát triển du lịch chất lượng cao?

Du lịch - Ngày đăng : 15:22, 05/06/2021

Tính đặc thù, khác biệt; quản lý chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm; môi trường là 3 yếu tố cơ bản nhưng cũng là khó khăn mà Hải Dương đang phải đối mặt để phát triển du lịch chất lượng cao.


Đoàn khảo sát thực địa du lịch ở TP Chí Linh. Ảnh tư liệu

Nằm trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050” được kỳ vọng đem đến những đột phá cho du lịch Hải Dương.

Cần 3 yếu tố cơ bản

Vừa qua, cơ quan tham mưu xây dựng đề án là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đơn vị tư vấn là Viện Du lịch bền vững Việt Nam đã tiến hành khảo sát các địa phương để có thông tin tổng quan và cái nhìn thực tế về tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

Đơn vị tư vấn cũng tiến hành thu thập số liệu, tài liệu và điều tra xã hội học về du lịch Hải Dương; mối quan hệ của du lịch Hải Dương với các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh có tiềm năng du lịch… để xây dựng hệ thống tiêu chí, mô hình phát triển du lịch chất lượng cao mà Hải Dương đang hướng đến. Hiện tại, đơn vị tư vấn đã cơ bản hoàn thành hồ sơ dự kiến trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 6 này.

Khảo sát và nghiên cứu thực địa cho thấy tài nguyên du lịch của Hải Dương phong phú nhưng để đáp ứng những tiêu chí cho phát triển du lịch chất lượng cao thì vẫn còn nhiều khó khăn.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), người trực tiếp tham gia xây dựng đề án chỉ ra để phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững cần 3 yếu tố cơ bản nhưng cũng là khó khăn mà Hải Dương đang phải đối mặt. Đó là tính đặc thù, khác biệt; quản lý chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm; môi trường.

Về tính đặc thù, du lịch Hải Dương có nhiều tiềm năng, trong đó nổi bật là giá trị về văn hóa, lịch sử khi sở hữu hệ thống di tích dày đặc… Tuy nhiên, để phát triển du lịch chất lượng cao không chỉ dựa vào hệ thống di tích, bởi sản phẩm du lịch liên quan đến văn hóa, lịch sử gắn với di tích chủ yếu hút khách nội địa, khách quốc tế không mấy quan tâm. Đối tượng khách quốc tế thông thường họ quan tâm đến những yếu tố văn hóa là văn hóa gốc, văn hóa bản địa… nên không thể chỉ nhìn vào hệ thống di tích mà phát triển du lịch. Trong khi tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tự nhiên của Hải Dương vẫn còn hạn chế.

Về quản lý được chất lượng dịch vụ và chất lượng du lịch, hiện nay hầu hết các điểm du lịch chưa thấy áp dụng, thậm chí chưa biết chính xác thế nào là dịch vụ du lịch và sản phẩm du lịch. Lực lượng làm du lịch còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng.

Với du lịch chất lượng cao thì vấn đề môi trường cần được coi trọng, nhưng hiện nay ở hầu hết các điểm mà đoàn khảo sát thì môi trường rất có vấn đề. Đặc biệt ở thị xã Kinh Môn, khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương chưa được quan tâm xứng tầm. Các hoạt động như khai thác đá, vận hành của các khu công nghiệp hay xử lý vấn đề môi trường ở các làng nghề… thật sự đang là vấn đề nan giải.

Cần nhà đầu tư xứng tầm

Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, đơn vị tư vấn dự kiến đưa ra 6 sản phẩm du lịch đặc thù mà Hải Dương cần chú trọng phát triển.

Thứ nhất là tìm hiểu các giá trị sinh thái ở khu du lịch sinh thái Đảo Cò (Thanh Miện) là nơi duy nhất tồn tại hệ sinh thái đất ngập nước ở đồng bằng, với giá trị đa dạng sinh học. Trước đây, nó là điển hình của cảnh quan đa dạng sinh học khu vực đồng bằng sông Hồng nhưng giờ tồn tại duy nhất.

Thứ hai là khu du lịch sinh thái sông Hương (Thanh Hà) có thể xây dựng mô hình du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt, tái hiện khung cảnh ngày xưa ở đồng bằng Bắc Bộ.

Thứ ba là quần thể di tích, danh thắng thiên nhiên ở Chí Linh có thể xây dựng mô hình nghỉ dưỡng và thiền. Tận dụng linh khí nơi đất thiêng cộng với hệ thống sinh thái độc đáo tại đây có thể xây dựng mô hình để phục vụ đối tượng khách thượng lưu.

Thứ tư là làng rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) hoàn toàn có thể xây dựng để du khách về thăm nơi được coi là cái nôi của rối nước Việt Nam.

Thứ năm là trải nghiệm làng gốm Chu Đậu (Nam Sách), tại đây du khách được tự tay làm ra sản phẩm.

Thứ sáu là tuyến du lịch tìm hiểu về con đường khoa cử với làng tiến sĩ Mộ Trạch (Bình Giang) - Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) và đền thờ thầy giáo Chu Văn An (Chí Linh). Tại các điểm này có thể sử dụng công nghệ để du khách được trở về những trường thi xưa…

Để thực hiện được những sản phẩm trên, PGS. TS Phạm Trung Lương cho rằng cần tháo gỡ 3 khó khăn đã nêu và việc cần thực hiện ngay là có chính sách cởi mở để thu hút, tìm nhà đầu tư lớn, xứng tầm. “Mục tiêu xây dựng đề án là rất tốt nếu chúng ta đạt được thì thực sự là sự bứt phá cho du lịch Hải Dương”, ông Lương nói.

HUYỀN ANH