Con tàu đắm tại sông Văn Úc chưa được khám phá

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 10:47, 08/06/2021

Tháng 8.2015, trong khi mò sắt phế liệu tại sông Văn Úc đoạn thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà), ông Đào Văn Giá phát hiện 1 con tàu đắm ở độ sâu 28 m so với mặt sông.


Vị trí con tàu đắm nằm cách bờ kè khoảng 150 m

Ngày 2.6.2017, Bảo tàng tỉnh Hải Dương nhận được Công văn số 240/UBND - VP ngày 26.5.2017 của UBND huyện Thanh Hà về việc công dân phát hiện vỏ tàu gỗ cũ dưới lòng sông Văn Úc. Chiều cùng ngày, Bảo tàng tỉnh phối hợp Phòng Văn hóa-Thông tin huyện và UBND xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) tiến hành khảo sát thực địa khu vực sông Văn Úc thuộc thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập - địa điểm nơi phát hiện tàu đắm.

Quá trình làm việc, đoàn khảo sát thu thập được thông tin vào tháng 8.2015, trong khi mò sắt phế liệu tại sông Văn Úc đoạn thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập, ông Đào Văn Giá (sinh năm 1971), trú tại khu 16, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) phát hiện 1 con tàu đắm ở độ sâu 28 m so với mặt sông.

Tàu bị lật úp, nằm ngang sông. Tàu dài khoảng 40 m, rộng 7 m, cao 3,5 m, chất liệu bằng gỗ, mạn tàu bọc đồng. Do tò mò, ông Giá đã cậy một mảnh gỗ thân tàu và chui vào bên trong, bất ngờ phát hiện 1 chiếc đầu lâu và 1 xương ống chân người (đầu rộng khoảng 25 cm, xương chân dài 50 cm).

Sau khi đưa lên bờ, ông Giá đã đem chôn tạm ở bờ sông thuộc thôn Câu Thượng, xã Quang Hưng, huyện An Lão (TP Hải Phòng). Sau khoảng 2 tháng, do sợ kẻ gian lấy trộm đầu lâu và xương ống chân, ông đem về chôn tại mảnh đất trống của một hộ dân thuộc khu 16, phường Ngọc Châu.

Đến ngày 23.5.2017, UBND xã Vĩnh Lập nhận được đơn trình báo của ông Giá về sự việc trên. Ngày 26.5.2017, UBND huyện Thanh Hà có Công văn số 240/UBND - VP báo cáo UBND tỉnh về việc công dân phát hiện vỏ tàu gỗ cũ dưới lòng sông Văn Úc. Nội dung công văn nêu rõ sự việc như ông Giá trình báo. Sau đó, UBND huyện Thanh Hà giao cho Công an huyện xác minh làm rõ sự việc.

Theo cụ Phạm Văn Chiểu (87 tuổi), ở thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập, khoảng những năm 1946 - 1948 có một chiếc tàu thủy của hãng vận tải Đồng Lợi (chạy tuyến Nam Định - Hải Phòng) bị chìm tại vụng Đồng Bầu, thôn Tú Y. Vụng Đồng Bầu vốn là vực xoáy tự nhiên, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền qua lại. Vào mùa nước lớn, vụng thường phát ra âm thanh ầm ù nghe rất rõ. Nhiều khả năng, chiếc tàu bị đắm tại đây là một trong những tàu của hãng vận tải Đồng Lợi.


Sông Văn Úc đoạn thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập

Qua tìm hiểu người dân địa phương cho biết khoảng năm 1951, giặc Pháp sử dụng 8 tàu chiến, 16 ca nô càn quét khu vực Hà Đông (thôn Tú Y thuộc khu Hà Đông), giết hàng trăm người dân. Nhưng có ý kiến khác cho rằng sự kiện đó xảy ra tại khu vực Đò Gùa, xã Hợp Đức (cùng huyện Thanh Hà), còn trên địa bàn Vĩnh Lập không diễn ra trận chiến nào trên sông Văn Úc như kể trên.

Khảo sát thực địa, sông Văn Úc chảy qua địa phận xã Vĩnh Lập khoảng 3 km. Tại đây có bến đò Tú, đi sang xã Quang Trung (An Lão, Hải Phòng). Toàn xã được bao bọc bởi 3 con sông: Thái Bình, Bía, Văn Úc. Giao thông thủy rất thuận lợi. Vào tháng 1.2016, được sự quan tâm của UBND tỉnh, bờ hữu sông Văn Úc đã được kè đá dài khoảng 200 m để chống sạt lở. Vị trí con tàu đắm theo như mô tả nằm cách bờ kè khoảng 150 m.

Sông Văn Úc là một nhánh của sông Thái Bình, phần lớn chảy qua địa bàn Hải Phòng. Sông bắt nguồn từ ngã ba Cửa Dưa thuộc xã Thanh Xuân (Thanh Hà) theo hướng đông nam đổ ra biển. Đây là một trong những tuyến giao thông đường thủy nội địa quan trọng từ Hải Dương đi Hải Phòng và ngược lại.

Trải qua năm tháng và chiến tranh, sông Văn Úc và các sông khác trong cả nước đều chứa đựng những sự kiện lịch sử, văn hóa gắn với lịch sử dân tộc và địa phương. Có thể dưới lòng sông còn chứa đựng nhiều di vật lịch sử, văn hóa, việc phát hiện con tàu đắm dưới lòng sông Văn Úc tại địa bàn xã Vĩnh Lập là một minh chứng về điều đó. Tuy nhiên, nguồn gốc và sự kiện có liên quan đến con tàu chưa có cơ sở khẳng định nên khó cho việc xác định niên đại.

Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã phát hiện 3 con tàu đắm như đã nêu trên và cùng xuất phát từ việc người dân lặn mò tìm phế liệu tìm thấy. Cụ thể tại xã Nhân Huệ (Chí Linh) phát hiện năm 2013, xã Việt Hưng (Kim Thành) năm 2014 và tại xã Vĩnh Lập năm 2017. Bảo tàng tỉnh Hải Dương khảo sát thu thập thông tin về việc phát hiện để lưu hồ sơ làm căn cứ cho việc báo cáo và nghiên cứu khi có điều kiện.

HOÀNG HƯƠNG