Bí thư Bình Dương ‘xin’ không làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng Bầu cử không có quyền ‘cho’ ?

Tin tức - Ngày đăng : 15:31, 08/06/2021

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND không quy định cụ thể việc giải quyết trường hợp xin không làm đại biểu khi chưa được công bố trúng cử.
>>>  Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương xin không làm đại biểu Quốc hội khóa XV ''vì lý do sức khỏe''


Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam có đơn xin không làm đại biểu Quốc hội khóa XV "vì lý do sức khỏe" khi Hội đồng Bầu cử quốc gia chưa công bố danh sách người trúng cử và chưa có nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, là chưa có tiền lệ.

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu (Văn phòng Quốc hội), ông Nguyễn Nhân Tỏ, bình luận với phóng viên Tuổi Trẻ rằng "luật không có quy định cụ thể việc xử lý trường hợp này".

Ngày 7.6, xác nhận với phóng viên Tuổi Trẻ việc đã gửi đơn đến Hội đồng Bầu cử quốc gia xin không làm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Trần Văn Nam cho biết: "Thời gian gần đây tôi thấy sức khỏe không tốt, bị bệnh nên tôi xin thôi tham gia Quốc hội để tập trung làm nhiệm vụ khác. Tôi chủ động nộp đơn sớm để Hội đồng Bầu cử chủ động xem xét trước khi công bố danh sách trúng cử chính thức".

Về thẩm quyền, Luật Bầu cử quy định: "Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử".

"Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên".

Như vậy, luật chỉ trao cho Hội đồng Bầu cử quốc gia quyền "xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội". Không có quy định nào về việc Hội đồng Bầu cử quốc gia cho phép một người đã trúng cử không làm đại biểu Quốc hội.

Đến thời điểm này, ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã gửi biên bản xác nhận kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng Bầu cử quốc gia. Dự kiến, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tổ chức họp báo vào ngày 10.6 để công bố danh sách người trúng cử.

Ở cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, sau khi công bố danh sách người trúng cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã phải họp thêm 2 phiên (vào các ngày 15 và 17.7.2016) để xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Ông Trịnh Xuân Thanh không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì có quốc tịch nước ngoài (thời điểm đó bà Hường cũng có đơn xin rút). Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét hai trường hợp này đều dựa trên các văn bản báo cáo của các cơ quan chức năng.

Như vậy, người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nếu không có vi phạm, sai phạm dẫn đến không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, thì theo quy định của Luật Bầu cử sẽ được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

Chỉ Quốc hội (hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp) mới có thẩm quyền cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Thời điểm kết thúc nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử quốc gia

Hội đồng Bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ sau khi đã trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu, bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa mới.

(Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND)

Theo Tuổi trẻ