Rối bời với giáo án 4 bước

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:33, 10/06/2021

Kế hoạch bài giảng của giáo viên trong phụ lục 4 Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng đổi mới chương trình giáo dục 2018 khiến giáo viên rối bời.


Giáo viên trong một buổi tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới

Cụ thể, bài giảng của giáo viên bao gồm các hoạt động: xác định vấn đề, nhiệm vụ học tập; hình thành kiến thức mới; luyện tập và vận dụng. Trong đó, ở phần hoạt động, văn bản trên đưa ra các bước: giao nhiệm vụ học tập, thực hiện nhiệm vụ, báo cáo thảo luận và kết luận đánh giá.

Khó, khổ, áp lực...

Một phó hiệu trưởng ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết cô nghiên cứu kỹ về phương pháp tư duy trong dạy học theo định hướng mới và thấy "hướng dẫn của bộ là tài liệu tham khảo rất tốt" nhưng giáo viên kêu khó, khổ, áp lực chính là ở cách triển khai.

"Văn bản ban hành vào đầu học kỳ 2 năm học trước và ngay lập tức giáo viên bị chỉ đạo phải soạn giáo án 4 bước, trong khi giáo viên có rất nhiều việc phải làm và thường xuyên phải mang việc về nhà làm thêm. Yêu cầu đổi mới thì phải chấp hành nhưng chỉ đạo không hợp lý sẽ nảy sinh đối phó. 

Nhiều người chỉ làm để kiểm tra, báo cáo mà không làm với tâm thế để thay đổi cách dạy học, để chất lượng dạy học tốt hơn. Nhiều giáo viên có năng lực chủ quan cho rằng mình không cần giáo án cũng dạy tốt nên việc soạn giáo án 4 bước đối với họ chỉ là cách hành giáo viên, là việc hình thức, giả dối" - cô phó hiệu trưởng chia sẻ.

Còn một giáo viên ở Hải Phòng nói: "Nội dung dạy học theo hướng giao việc để học sinh tự làm, giáo viên đứng sau hướng dẫn là những điều tôi và nhiều đồng nghiệp đã làm. Nhưng trong một thời gian ngắn lại yêu cầu chúng tôi phải soạn lại giáo án 4 bước, trong đó có những điều không cần thiết chỉ để kiểm tra, thì tôi thấy không hợp lý. 

Nó không tốt gì cho việc đổi mới giáo dục hay chất lượng dạy học. Bộ nói giáo viên có thể sáng tạo, nhưng khi chúng tôi bị áp kiểm tra giáo án đủ các bước ở tất cả các bài, ai không đáp ứng sẽ bị khiển trách thì sao?".

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều giáo viên sau khi tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cũng hoang mang về công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. "Trong chương trình tập huấn, chúng tôi có tiếp cận với công văn 5512 và sau đó phải làm bài thu hoạch theo định hướng đổi mới này. Thực sự là rất nhiêu khê nếu soạn giáo án theo đúng yêu cầu của 5512. Tất cả các bước chúng tôi đều phải liệt kê ra theo từng mục, từng ý..." - cô N.T.H.N., giáo viên môn văn ở TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Tương tự, một giáo viên khác cũng kể: "Mới chỉ là bài thu hoạch và mới chỉ là giáo án của một bài dạy mà chúng tôi phải sửa đi sửa lại, phải liệt kê tất cả các ý trong bài dạy vào giáo án. Như vậy là không cần thiết. Khi vào năm học mới, chúng tôi phải dạy nhiều khối lớp khác nhau, nhiều bài khác nhau mà soạn giáo án theo đúng các bước, các mục của 5512 thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức, gây áp lực cho giáo viên. Và chúng tôi hỏi nhau nếu cứ dạy theo hướng đổi mới nhưng soạn giáo án như cũ thì có được không?".

"Dạy cách mới không thể soạn theo cách cũ"

Trong khi đó, ThS Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên môn sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh lại nhận định: "Tôi nghĩ việc giáo viên bức xúc vì công văn 5512 là vì chưa nắm được tinh thần của nó. Nguyên nhân chính là công tác tập huấn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bản thân tôi và đa số đồng nghiệp đều được tập huấn online, chỉ một số rất ít giáo viên cốt cán mới được tập huấn trực tiếp. 

Sau tập huấn, tôi làm kế hoạch bài dạy theo hướng dạy học theo dự án và được chấm đạt. Tuy nhiên, đồng nghiệp của tôi ở quận khác cũng làm tương tự như tôi nhưng lại bị giáo viên cốt cán ở quận đó chấm chưa đạt, phải sửa lại".

Mặc dù vậy, ông Du lại cho rằng: "Nếu dạy học theo hướng đổi mới thì nhất thiết phải soạn giáo án theo 5512, chứ không thể làm theo mẫu cũ. Lúc đầu, bản thân tôi thấy cũng hơi rối nhưng khi mình hiểu đúng được tinh thần của nó thì thực hiện cũng ổn thôi. Cái chính vẫn là tập huấn sao cho giáo viên hiểu và làm đúng".

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), người có kinh nghiệm quản lý khi triển khai thí điểm kế hoạch giáo dục nhà trường từ 8 năm trước và hiện thí điểm kế hoạch giáo dục nhà trường - cho rằng văn bản 5512 không khó hiểu, khó làm, cứng nhắc; nhưng khi triển khai trên cả nước trong bối cảnh chưa có nhiều giáo viên được tập huấn trực tiếp về modul 4 - xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong chương trình giáo dục phổ thông mới - thì cần có lộ trình, thời gian để tiếp nhận, chuyển đổi...


Theo Tuổi trẻ