Định hướng chính sách thu hút FDI năm 2021
Kinh tế - Ngày đăng : 15:47, 11/06/2021
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực nhằm đón đầu làn sóng đầu tư khi thế giới tái định vị chuỗi cung ứng và sản xuất sau dịch Covid-19.
Chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam tiếp tục xu hướng chuyển từ thu hút bằng mọi giá sang có chọn lọc; từ thu hút thụ động sang thu hút chủ động; từ thu hút dựa trên hiệu quả tài chính và quy mô dự án sang thu hút dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường nhằm tăng năng lực sản xuất quốc gia, tính lan tỏa giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Trên cơ sở đó, định hướng chính sách FDI trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nhóm sau:
Khung pháp lý: Rà soát và bổ sung các quy định, điều kiện để thu hút, duy trì và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế; tiếp tục tạo khung pháp lý cho việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi lao động kỹ thuật... Chú trọng một số phương thức đầu tư mới, hoàn thiện các quy định liên quan đến mua bán - sáp nhập (M&A); xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và có năng lực.
Chính sách ưu đãi đầu tư: Chính sách ưu đãi cần hướng vào những ngành nghề, lĩnh vực có khả năng tạo ra các hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đầu tư cho con người; logistic; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0…
Chính sách thu hút "đại bàng": Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang và dịch Covid-19 bùng phát là động lực thúc đẩy quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng và tái cơ cấu đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia diễn ra theo hướng mở rộng đầu tư sang quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh, phù hợp xu hướng phát triển mới về phân công giá trị chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Bên cạnh sự hấp dẫn từ môi trường chính trị ổn định, kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam cũng đã có nhiều động thái như thành lập tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị, nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.
Cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh: Các ưu đãi về thuế hay gánh nặng thuế thấp cũng không hấp dẫn bằng môi trường kinh doanh thuận lợi. Vì vậy, trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo, Chính phủ cần tiếp tục ban hành và thực hiện hiệu quả các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với điểm nhấn là cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra chuyên ngành…
BẢO LONG(tổng hợp)