Phát triển Logictics trong liên kết tiêu thụ nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 14:08, 13/06/2021

Với nhu cầu tiêu thụ nông sản hiện nay, đòi hỏi phải có một hệ thống liên kết, vận chuyển và tiêu thụ chặt chẽ để nông sản có thể đến với người tiêu dùng nhanh nhất mà vẫn giữ được chất lượng.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là các trung tâm cung ứng, chế biến nông sản, các kênh logictics dành riêng cho kết nối tiêu thụ nông sản là điều cần thiết, đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử trở nên phù hợp so với xu thế hiện nay. 


Vận chuyển hàng nông sản lên máy bay của Vietjet để đến các thị trường quốc tế lớn như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... và nhiều quốc gia khác khắp thế giới, đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi ngon

Giúp nông sản tăng mạch lưu thông

Liên kết và tiêu thụ nông sản là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho người sản xuất và cả doanh nghiệp có số lượng nông sản đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, chất lượng đúng theo tiêu chuẩn do thị trường đặt ra. Đó là vừa đồng đều, vừa an toàn sinh học, cân bằng hệ sinh thái động, thực vật đa dạng ngay vùng trồng, vùng nuôi, giúp cho sản xuất phát triển bền vững, lâu dài.

Đặc biệt, với một chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ hoàn chỉnh, nông sản Việt Nam sẽ thỏa mãn các yêu cầu của đối tác khi tham gia vào các thị trường khu vực và thế giới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cả tỉnh có gần 277.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với điều kiện tự nhiên thuận lợi sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn đa dạng sản phẩm như xoài, chuối, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, tiêu, cà phê… Trong số đó, có hơn 1.300 ha cây trồng được nhứng nhận các tiêu chuẩn VietGap, UTZ, 4C, hữu cơ, 86 mã vùng  trồng cho 21.600 ha các loại cây như chuối, mít, thanh long và 84 chuỗi liên kết sản xuất trên diện tích hơn 16.300 ha các loại cây ăn quả, lương thực, cây công nghiệp, rau hoa màu, cây dược liệu. 

Chính vì lợi thế này, tỉnh Đồng Nai đã hướng đến việc phát triển 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Long Giao, huyện Cẩm Mỹ và Cụm công nghiệp Phú Túc, huyện Định Quán. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, song song với phát triển các cụm công nghiệp dành riêng cho chế biến nông sản, các trung tâm dịch vụ logictics phục vụ cho nông sản tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu cũng cần được quan tâm đầu tư.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, thông qua những mắc xích này, nguồn nông sản trong nước sẽ được lưu thông tốt hơn dù xảy ra dịch bệnh như hiện nay,

Những năm qua, các loại nông sản của Việt Nam như hành tím, vải thiều, dưa hấu, bưởi hồng da xanh,…. vì thiếu chuỗi cung ứng liên kết logictics mà trở nên ách tắc khi thu hoạch rộ, hoặc xuất phát từ các nhà nhập khẩu gián đoạn thu mua.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, khi hình thành chuỗi cung ứng logictics chặt chẽ cho ngành nông sản, hệ thống thương mại điện tử - một phần trong chuỗi cung ứng vào cuộc như Grabmart, Voso, Tiki, PostMart.vn, Shopee, Lazada, Sendo,… chung tay lưu thông nông sản thì sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông sản Việt.

Lý giải điều này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu cho răng số lượng nông sản dồn lại một chỗ sẽ gây ách tắc, người tiêu dùng khó tiếp cận, nhưng thông qua hệ thống này, bất kì người tiêu dùng nào sử dụng điện thoại thông minh đều có thể tiếp cận được.

Tạo chuỗi chặt chẽ

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông sản nhưng, nông sản lại có tính thời vụ. Nông sản không có kho bảo quản hoặc qua sơ chế, chế biến sẽ dễ hư hỏng, vì vậy, rất cần kho bãi bảo quản tốt. Đồng thời, nông sản tươi cũng cần một hệ thống logictics có chuỗi cung ứng, vận chuyển lạnh để giúp các sản phẩm như rau quả, thịt, cá tươi, hoa tươi, trái cây tươi giữ nguyên giá trị.

Ông Nguyễn Quang Thạnh, Phó Giám đốc Công ty CP Quốc tế Logictics Hoàng Hà (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, chuỗi cung ứng lạnh là một trong những khâu giúp bảo quản nông sản giữ được chất lượng, cũng như độ tươi ngon khi sản phẩm đến được với người tiêu dùng.

Do đó, theo ông Nguyễn Quang Thạnh để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho nông sản, chuỗi cung ứng lạnh phải đảm bảo các tiêu chuẩn như nhiệt độ thích hợp cho từng sản phẩm, bảo quản và giám sát nhiệt độ xuyên suốt và không gián đoạn từ sau thu hoạch đến hệ thống phân phối thông qua hệ thống thông gió, làm mát,…

Song song với chuỗi cung ứng lạnh này, truy xuất nguồn gốc cũng là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng và logictics nông nghiệp. Các tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu đã sớm đưa ra yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là một trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng, để người tiêu dùng hiểu được quá trình làm ra sản phẩm và được họ ưu tiên lựa chọn.

Ông Trần Hoàng Giang, Giám đốc điều hành nền tảng Blockchain - AkaChain (phần mềm FPT) cho biết, hàng hóa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch thì với người tiêu dùng luôn yên tâm sử dụng và chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn để lựa chọn vào giỏ hàng. Khi sản phẩm có truy xuất nguồn gốc tốt thì các khâu khác trong chuỗi cung ứng sẽ liền mạch, tối ưu hơn, tiết kiệm chi phí hơn so với việc không truy xuất rõ ràng.

Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh COVID-19 hiện nay, việc thiếu kho bãi, thiếu container trống, giá cước vận tải tăng cao đã tác động không nhỏ đến việc hình thành chuỗi cung ứng logictics cho nông sản.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh đã đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logictics và cộng đồng doanh nghiệp logictics tích cực phối hợp với các bộ, ngành có biện pháp hỗ trợ, giảm chi phí lưu kho, vận chuyển để nông sản được thuận lợi phân phối đến người tiêu dùng trong nước và thị trường thế giới.

Theo TTXVN