Thế giới có hơn 176,7 triệu ca mắc COVID-19
Tin tức - Ngày đăng : 09:40, 14/06/2021
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 14.6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 176.701.265 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3,81 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 160.731.913 người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 293.850 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (67.290 ca), Brazil (36.998 ca), Colombia (28.519 ca), Nga (14.7230 ca), Argentina (13.043 ca), Indonesia (9.868 ca)...
Mỹ - quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới - ghi nhận 5.220 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 34.321.093 ca, trong đó 615.053 ca tử vong.
Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 12%; số ca nhiễm mới tại châu Á giảm 23%, châu Âu giảm 14%, Bắc Mỹ giảm 7% và Nam Mỹ giảm 2%. Trong khi đó, châu Phi ghi nhận số ca nhiễm trong 7 ngày qua tăng tới 40%, châu Đại dương tăng 15%.
Đáng chú ý, Cuba ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.
Cụ thể, Cuba ghi nhận 1.470 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Cuba, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 157.708 ca, trong đó 1.087 không qua khỏi.
Tại Israel, Bộ Y tế nước này cho biết số bệnh nhân có triệu chứng nặng đã giảm 30% trong ngày 13/6. Đây là ngày có số bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nặng thấp nhất kể từ ngày 8.6.2020.
Trước đó, ngày 26.1, Israel ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 trở nặng ở mức cao chưa từng thấy, 1.181 ca.
Tính đến nay, Israel đã tiêm chủng phòng COVID-19 cho gần 5,48 triệu người, tương đương 58,8% dân số nước này. Dự kiến, từ ngày 14/6 Israel dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia và Ukraine.
Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13.6 cho biết lãnh đạo Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí chia sẻ ít nhất 870 triệu liều vaccine cho COVAX - chương trình phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình do WHO khởi xướng. Ít nhất một nửa số vaccine cam kết nói trên sẽ được bàn giao trong cuối năm 2021.
Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh nhiều nước thiếu vaccine nghiêm trọng trong khi chưa thể kiểm soát dịch COVID-19.
Theo TTXVN