Bước ngoặt lớn trên chính trường Israel
Tư liệu - Ngày đăng : 19:07, 14/06/2021
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett
Mặc dù vậy, chính phủ mới với 8 đảng liên kết lại vẫn được nhận định là tiềm ẩn nhiều thách thức bởi nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính bền vững của liên minh này.
Bế tắc được tháo gỡ
Suốt hơn hai năm qua, chính trường Israel đã rơi vào cuộc khủng hoảng kéo dài khi phải tiến hành đến 4 cuộc bầu cử (vào tháng 3.2019, tháng 9.2019, tháng 3.2020 và tháng 3.2021) mà không thể thành lập chính phủ mới. Việc các cuộc bầu cử liên tiếp diễn ra trong vòng 2 năm qua đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế của Israel và khiến niềm tin của người dân vào chính phủ rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Sau cuộc bầu cử tháng 3.2020, các bên đã đàm phán và thành lập được một chính phủ quốc gia thống nhất, bao gồm cả các đảng ủng hộ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đảng đối lập. Tuy nhiên, chính phủ này cũng chỉ tồn tại được 7 tháng do những bất đồng xung quanh vấn đề ngân sách, buộc Israel phải giải tán Quốc hội vào tháng 12.2020, mở đường cho một cuộc bầu cử lần thứ tư trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Cuộc bầu cử lần thứ 4 vào tháng 3.2021 tiếp tục lặp lại những bế tắc cũ. Kết quả cuộc bầu cử này cho thấy không có đảng nào giành chiến thắng rõ ràng. Trong đó, đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu chỉ giành 30 trong tổng số 120 ghế của Quốc hội, không đủ 61 ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ mới. Theo các nhà phân tích, có một thực tế là Quốc hội Israel bao gồm tổng cộng 120 ghế nhưng có tới 39 đảng tham gia tranh cử. Chính bởi vì số lượng đảng phái đăng ký bầu cử đông, trong khi không đảng nào uy tín vượt trội, nên số phiếu đã bị dàn trải. Trong các cuộc bầu cử gần đây, đảng có uy tín cao nhất cũng chỉ giành được khoảng trên 30 ghế, còn quá xa để có thể chạm mức quá bán. Điều này khiến quá trình thành lập chính phủ liên minh giữa các đảng sau bầu cử trở nên vô cùng khó khăn và bế tắc.
Sau cuộc bầu cử hồi tháng 3.2021 vừa qua, một lần nữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ song ông đã thất bại và phải chấp nhận chuyển giao lại nhiệm vụ thành lập chính phủ cho lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập, ông Yair Lapid. Ngày 6.5, ông Lapid đã được Tổng thống Rivlin giao nhiệm vụ đứng ra đàm phán thành lập chính phủ với thời hạn chót là ngày 2.6.
Chưa đầy 1 tháng, ông Yair Lapid đã đàm phán thành công với 8 đảng phái vừa và nhỏ để trở thành liên minh đa số có thể điều hành đất nước theo đúng luật. Cục diện bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại Israel nhờ vậy đã được tháo gỡ.
Để có thể vận động được sự ủng hộ của các đảng đại diện cho tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội Israel (Knesset), ông Lapid đã nhận được "quân bài" quyết định từ ông Naftali Bennett - lãnh đạo đảng Yamina. Theo thỏa thuận giữa các bên, ông Bennett và ông Lapid sẽ luân phiên nhau làm Thủ tướng trong chính phủ mới. Thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh bao gồm 8 đảng đối lập là Yesh Atid (hiện đang giữ 17 ghế trong Knesset), Xanh và Trắng (Blue and White - 8 ghế), Yisrael Beytenu (7 ghế), Lao động (7 ghế), Yamina (6 trong số 7 ghế), Hy vọng mới (New Hope - 6 ghế), Meretz (6 ghế) và Ra'am (4 ghế). Thỏa thuận trên đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội (Knesset) ngày 13.6 với 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống và 1 phiếu trắng.
Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ mới của Israel đã tuyên thện nhậm chức với ông Naftali Bennett (49 tuổi) làm Thủ tướng luân phiên trong chính phủ liên kết cho đến tháng 8.2023, sau đó chuyển giao cho Chủ tịch đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Nhà lãnh đạo 2 đảng Yesh Atid và Yamina đã cam kết tôn trọng phe đối lập vì sự thống nhất và kết nối mọi thành phần trong xã hội Israel.
Các nước chúc mừng chính phủ mới ở Israel
Từ khi ông Yair Lapid thông báo thành lập được chính phủ liên minh, đảng Likud của ông Benjamin Netanyahu trong một lá thư gửi các luật sư Văn phòng Tổng thống Israel, đã cho rằng ông Lapid không có quyền trao lại chức Thủ tướng cho ông Bennett vì ông Lapid đã không tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng luân phiên. Tuy nhiên trả lời bức thư này, Văn phòng Tổng thống Israel cho rằng nội dung trong lá thư của đảng Likud là không hợp pháp.
Mặc dù vậy, phản ứng sau khi chính phủ mới Israel tuyên thệ nhậm chức, đảng Likud của ông Netanyahu đã tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và chuyển thành đảng đối lập lớn nhất trong Knesset.
Trong khi đó, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cùng lãnh đạo các nước Mỹ, Canada, Đức đều lên tiếng chúc mừng ông Naftali Bennett đảm nhận cương vị Thủ tướng Israel. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ mong chờ tăng cường quan hệ đối tác giữa EU và Israel vì sự thịnh vượng chung, hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện chúc mừng ông Bennett cùng các thành viên trong nội các mới của Israel. Tổng thống Biden đã nhấn mạnh sự ủng hộ của ông trong nhiều thập kỷ qua đối với mối quan hệ Mỹ-Israel cũng như cam kết vững chắc của ông đối với Israel. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Israel thúc đẩy hòa bình, an ninh. Ông Bennett cũng đã hồi đáp ngay sau đó và bày tỏ mong đợi phối hợp với ông Biden để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Ông Bennett nhấn mạnh ông Biden là "một người bạn tuyệt vời của Nhà nước Israel".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bày tỏ mong đợi làm việc với nhà lãnh đạo mới của Israel. Ông Trudeau nhấn mạnh Canada và Israel có mối quan hệ khăng khít vì chia sẻ những giá trị dân chủ chung, có lịch sử hợp tác lâu bền và quan hệ gần gũi giữa người dân hai nước. Thủ tướng Trudeau khẳng định Ottawa vẫn giữ vững cam kết ủng hộ giải pháp 2 nhà nước, theo đó người dân Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình, an ninh và ổn định.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 13/6 cũng chúc mừng ông Naftali Bennett trở thành nhà lãnh đạo mới của Israel, nhấn mạnh Đức và Israel có quan hệ thân thiện và Berlin mong muốn tăng cường mối quan hệ đó. Thủ tướng Merkel bày tỏ mong muốn làm việc với ông Bennett…
Vẫn còn nhiều thách thức
Với việc chính phủ mới được thành lập, Israel đã tránh được kịch bản đối diện với cuộc bầu cử lần thứ 5 liên tiếp trong vòng hơn 2 năm qua. Thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh vừa được Quốc hội Israel thông qua không những giúp khai thông thế bế tắc trên chính trường Israel, mà còn tạo hy vọng chính phủ liên minh mới sẽ có những đường hướng phát triển khác biệt, nhất là trong mối quan hệ với Palestine.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các đảng phái trong một chính phủ liên kết bao gồm các đảng cánh hữu, cánh tả và đảng của người gốc Arab. Một chính phủ liên minh được thành lập bởi 8 đảng phái khiến không ít người rỏ ra nghi ngờ về tính bền vững của nó. Nhiều nhà chính trị cho rằng, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất đồng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là các chính sách liên quan tới Palestine và khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây. Cách thức xây dựng tiến trình hòa bình Trung Đông với Palestine sao cho hiệu quả luôn là bài toán khó, đòi hỏi chính phủ mới phải tìm kiếm được sự thống nhất cao giữa các phe phái chính trị và xã hội. Đây không phải là công việc dễ dàng, do tranh chấp lãnh thổ hàng thế kỷ qua giữa Israel và Palestine vẫn luôn là nút thắt khó gỡ nhất trên thế giới.
Việc phân chia quyền lực và cân bằng lợi ích trong chính phủ mới được xem là một bài toán không đơn giản. Nếu các bất đồng không được giải quyết, chỉ một chính đảng rút khỏi liên minh cầm quyền, Israel lại phải đứng trước một cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 5 trong vòng hơn 2 năm qua.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, số ghế của các đảng liên minh trong chính phủ mới hiện chỉ vượt mức tối thiểu (61 ghế trong tổng số 120 ghế Quốc hội). Đây chính là thách thức với chính phủ mới bởi Thủ tướng Netanyahu, người đang đối mặt các phiên tòa hình sự với cáo buộc lừa dối, hối lộ và bất tín, sẽ không bao giờ từ bỏ nỗ lực “lật ngược thế cờ”. Ông Netanyahu được cho là sẽ tung ra các “nước cờ” tiếp theo, trong đó có động thái chọn hoạt động ở phe đối lập và chờ cơ hội mỗi khi các đối thủ chính trị suy yếu. Ông Netanyahu vốn nắm trong tay số người ủng hộ vững chắc, bằng chứng là ông đã giành được 30 trong tổng số 120 ghế quốc hội trong vòng bầu cử tháng 3 vừa qua.
Ngoài ra, chính phủ mới ở Israel cũng sẽ phải đứng trước “phép thử” không dễ dàng khi phải thông qua ngân sách, vấn đề từng khiến các liên minh sụp đổ trong quá khứ. Do bế tắc chính trị kéo dài, Israel vẫn đang sử dụng phiên bản theo tỷ lệ của ngân sách cơ sở năm 2019 được phê duyệt vào giữa năm 2018.
Bên cạnh đó, tái thiết nền kinh tế sau đại dịch, giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, đối phó mối lo ngại an ninh cũng là những vấn đề đầy thách thức đối với chính phủ mới của Israel. Vấn đề nào cũng có thể trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa các đảng trong liên minh cầm quyền. Bởi vậy, các đảng phái tham gia chính phủ liên minh mới ở Israel cần phải thu hẹp các khác biệt sâu sắc mới có thể củng cố vị thế vững chắc, trong bối cảnh chính trường Israel được dự báo chưa thể hết “sóng gió”.
Trong bối cảnh đó, ông Lapid và Bennett hy vọng rằng "chính phủ đoàn kết" của họ sẽ hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc giữa người Israel và chấm dứt sự thù hận.
Theo TTXVN