Bỏ gánh nặng cho công chức, viên chức
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:55, 15/06/2021
Theo đó, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Mặc dù còn chờ sự đồng ý của người đứng đầu Chính phủ nhưng đề xuất của Bộ Nội vụ nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận theo hướng tích cực hưởng ứng, ủng hộ. Thời gian qua, báo chí đã đăng tải nhiều “tiếng kêu” của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập về những bất cập, vướng mắc trong việc trang bị các chứng chỉ chuẩn hóa chức danh, nghề nghiệp. Theo quy định, để chuẩn hóa, đội ngũ công chức, viên chức phải tham gia rất nhiều lớp học bổ sung nhằm trang bị đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp... Chính những quy định này đã nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí tiêu cực. Để đáp ứng yêu cầu, một số công chức, viên chức sẵn sàng bỏ tiền mua, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả; tham gia học theo kiểu "đánh trống ghi tên" dẫn tới sự lãng phí không cần thiết, làm trầm trọng thêm bệnh hình thức, tình trạng "học giả, thi giả" xuất hiện tràn lan. Đặc biệt, "loạn" chứng chỉ, bằng cấp đem đến lợi ích khổng lồ cho một nhóm người nên những quy định này mặc dù có rất nhiều điểm bất cập, không cần thiết, tốn kém tiền của nhưng lại không dễ loại bỏ. Còn đội ngũ cán bộ, công chức vì muốn giữ việc mà buộc phải thực hiện dù biết không hiệu quả.
Đề xuất của Bộ Nội vụ tác động trực tiếp đến hàng triệu công chức, viên chức cũng như phương thức sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trên cả nước. Việc cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp vừa giúp giảm gánh nặng vật chất, cởi bỏ áp lực tinh thần cho đội ngũ cán bộ vừa giúp cơ quan, đơn vị sử dụng lao động đổi mới phương thức quản lý theo hướng thực chất, chú trọng hiệu quả hơn hình thức. Điều này cũng buộc các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thay đổi cách thức đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của người học, người sử dụng lao động chứ không phải đào tạo theo kiểu trang bị để đối phó.
Việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ không có nghĩa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không cần được đào tạo, bồi dưỡng. Mỗi vị trí việc làm cần có một chứng chỉ, văn bằng phù hợp để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, tránh lãng phí, hình thức.
Đội ngũ công chức, viên chức cũng phải không ngừng tự mình nỗ lực, cố gắng trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như những kỹ năng mềm để phù hợp với sự chuyển biến mạnh mẽ của xã hội, đáp ứng yêu cầu công việc. Cán bộ, công chức, viên chức phải tự mình xác định ở vị trí của mình thì cần học cái gì, học như thế nào, kiến thức nào cần trang bị để làm tốt nhiệm vụ được giao chứ không phải văn bằng, chứng chỉ đầy mình nhưng khi được giao việc lại lúng túng như gà mắc tóc. Có như thế, việc cắt giảm mới đi vào thực chất theo hướng giảm bớt sự phiền hà của thủ tục hành chính mà vẫn bảo đảm trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới.
VỊ THỦY