Trị mụn nhọt mùa hè bằng thức ăn thanh mát
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:02, 16/06/2021
Đối với quan niệm của các nhà Đông y, mụn nhọt phần nhiều do huyết nhiệt và nhiệt độc gây nên. Nguyên nhân liên quan đến chế độ ăn uống không phù hợp, vệ sinh kém…
Vì vậy để chữa tình trạng mụn nhọt cần lựa chọn các thức ăn thanh mát có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc. Dưới đây là những thực phẩm gợi ý giúp các mẹ nội trợ thường xuyên sử dụng trong tuần để giúp phòng mụn nhọt.
Atiso: Vị ngọt, tính mát, tác dụng thông mật mát gan, lọc máu tiêu độc… Trị chứng mụn nhọt, trứng cá, phong ngứa, chàm vảy nến do huyết nhiệt. Dùng bông tươi nấu canh, thịt giò heo, thịt vịt hoặc nấu nước uống.
Đậu xanh: Vị ngọt, tính mát, mùi hơi tanh, tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giảm khát, giải tất cả các chất độc, trừ phiền nhiệt, tiêu phù, hạ khí, lợi ngũ tạng. Dùng nấu chè, nấu cháo, hầm ăn đều rất tốt cho mùa hè.
Bí xanh: Vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng thanh phế mát vị, sinh tân, hoá đàm, lợi đại tiểu tiện, trừ mụn nhọt, nhuận da… Phòng trị chứng mụn nhọt, rôm sẩy, da khô sần, nám mặt lâu ngày, các chứng liên quan huyết hư táo... Dùng bằng cách luộc, nấu canh đều ngon, thanh mát.
Rau má: Tác dụng thanh nhiệt mát gan, nhuận phế, giải độc, dưỡng âm. Chữa mụn nhọt da khô sần, chàm vẩy nến, rôm sảy, phong ngứa và các chứng liên quan đến huyết nhiệt. Dùng ngày 50g hoặc hơn nấu canh với thịt, cá, hoặc luộc, xay sinh tố uống.
Rau mồng tơi: Rau mồng tơi có tính hàn, vị chua, tán nhiệt. Rau mồng tơi có tác dụng giải độc, đẹp da, trị rôm sảy mụn nhọt hiệu quả. Rau mồng tơi chứa nhiều chất dinh dưỡng. 1/2 chén rau mồng tơi nấu chín cung cấp 190% lượng vitamin A và 20% chất sắt khuyến cáo cho chế độ ăn hằng ngày. Vì vậy khi sử dụng rau mồng tơi bạn cũng cần lưu ý không nên sử dụng quá nhiều sẽ gây thừa chất và phản tác dụng
Rau ngót: Rau ngót tính hàn, chứa nhiều chất xơ. Khi bị nóng trong ăn canh rau ngót có thể giải độc, thanh nhiệt, dễ tiêu hóa, trị táo bón rất tốt. Tuy nhiên phụ nữ mang thai, người còi xương thiếu canxi, người mất ngủ, kém ăn thì không nên ăn rau ngót.
Rau dền: Với vị ngọt, tính mát, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể . Rau dền mang hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ cao bởi các hợp chất Fe, Vitamin B2, Vitamin C, Axid Nicotic và Ca, Vitamin C, giàu lượng tinh bột và Lysin. Cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho mọi gia đình, đem lại nhiều lợi ích bất ngờ đối với sức khỏe như: tốt cho xương khớp, giảm viêm, ngừa ung thư. Có 3 loại rau dền phổ biến là dền cơm, dền đỏ, dền gai và cả 3 đều chứa nhiều sterol cùng các axit béo, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Mướp đắng: Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua là 1 loại rau quả rất tốt cho sức khỏe. Có thể sử dụng bằng cách ăn sống (ướp đá), nấu canh, xào, uống nước ép mướp đắng để thanh lọc cơ thể, giải độc gan và làm đẹp da rất hiệu quả. Vì vậy khi bị nóng, có mụn nhọt thì sử dụng mướp đắng là sự lựa chọn thông minh.
Bột sắn dây: Bột sắn dây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất cao, sẽ nhanh chóng đẩy lùi các loại độc tố tích tụ bên trong cơ thể, làm giảm mụn, thanh nhiệt làm mát cơ thể. Khi bị nóng trong người sử dụng bột sắn dây sẽ thấy hiệu quả rõ ràng. Lưu ý khi pha bột sắn dây, không nên cho hoa bưởi vào. Việc cho hoa bưởi sẽ có mùi thơm tuy nhiên sẽ làm mất tác dụng dược lý của sắn dây.
Dưa hấu: Dưa hấu có tính vị ngọt mát, không độc, có tác dụng giải khát, giải nhiệt do trúng nắng hạ áp. Dưa hấu còn có tác dụng trị chứng miệng bị khô, tiếng nói khan, trị tiểu vặt, táo bón. Dưa hấu được rất người sử dụng để giải nhiệt, thải độc,..
Ngoài ra, để tăng cường chức năng thải độc của gan, hạn chế mụn nhọt mùa hè hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào, ăn quả ngọt nhiều đường, gia vị cay nóng,... Tăng cường uống nước, bổ sung các lại nước từ trái cây như cam, bưởi, quít, chanh, đu đủ, thanh long...
Theo Sức khỏe và Đời sống