Vụ vải tạo đột phá

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:30, 18/06/2021

Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vụ vải năm nay đang dần khép lại với nhiều dấu ấn tốt đẹp trong sản xuất và tiêu thụ.


Nông dân cập nhật thông tin về quy trình sản xuất vải vào nhật ký điện tử qua mã QR

Bài bản

Khác với mọi năm, vụ vải này cả nông dân, chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp đều chủ động phương án sản xuất, tiêu thụ từ sớm. Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng đã giúp quả vải của Hải Dương gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.

Năm trước, tỉnh thận trọng xây dựng vùng vải xuất khẩu quy mô nhỏ để vừa làm vừa nghe tín hiệu từ thị trường. Còn năm nay, dù phải đối mặt với thách thức lớn về vận chuyển, lưu thông do dịch Covid-19 thì Hải Dương vẫn quyết tâm mở rộng vùng vải theo tiêu chuẩn quốc tế lên 500 ha, tăng 280 ha so với năm trước. Vừa quyết liệt chỉ đạo sản xuất để bảo đảm các điều kiện khắt khe, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương vừa tích cực kết nối, từng bước gỡ nút thắt về đầu ra cho quả vải. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ thực tế sản xuất và tín hiệu của thị trường, ngành nông nghiệp đã tham mưu xây dựng và triển khai vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Các khâu sản xuất đều được giám sát chặt chẽ, tuân thủ theo quy trình GlobalGAP. Nhờ vậy, quả vải của tỉnh đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt của các thị trường khó tính.

Khó khăn do dịch Covid-19 đã thôi thúc nông dân, doanh nghiệp khai thác kênh tiêu thụ vải mới. Ngoài cách tiêu thụ truyền thống, lần đầu tiên đặc sản của tỉnh được chào bán trên các sàn thương mại uy tín ở trong nước và quốc tế. Hướng đi này không chỉ kích cầu tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh phức tạp mà còn góp phần quảng bá hiệu quả thương hiệu vải Hải Dương. Vì có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực sơ chế, đóng gói vải xuất khẩu nên năm nay lượng vải xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ, EU... cao nhất từ trước tới nay với khoảng 5.000 tấn. Riêng thị trường khó bậc nhất là Nhật Bản cũng nhập khẩu gần 1.000 tấn vải tươi của Hải Dương trong khi năm trước chỉ được 40 tấn.

Đến ngày 16.6, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong các trà vải, sản lượng đạt khoảng 55.000 tấn. 60% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc; còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất sang các nước khó tính. Quá trình tiêu thụ diễn ra thuận lợi, an toàn, bảo đảm các quy định về phòng chống dịch. Giá bán vải tương đối ổn định. Vải thu mua xuất khẩu có giá cao hơn từ 30-40% so với đại trà.


Vải Hải Dương tiêu thụ thuận lợi ở nhiều phân khúc thị trường

Mở đường

Không chỉ là vụ vải thắng lợi khi tháo gỡ được điểm nghẽn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà vụ vải này còn đánh dấu những thay đổi về tư duy sản xuất, tiêu thụ vải nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung. Người trồng vải đang dần đổi mới để đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp hiện đại.

Ở vụ vải này, không khó để bắt gặp hình ảnh người trồng vải sử dụng điện thoại thông minh cập nhật nhật ký sản xuất điện tử, tương tác với khách hàng qua nền tảng bán hàng trực tuyến. Những bất lợi trong tiêu thụ trực tiếp vì dịch bệnh phức tạp đã tạo thúc đẩy nông dân tiếp cận với công nghệ. Nhờ đó khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng thu hẹp dần, bài toán về đầu ra cho vải Hải Dương cũng có thêm cách giải. Chuyển đổi số giúp nông dân nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng để có thể điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, đồng thời cũng là công cụ cho khách hàng tìm tới sản phẩm uy tín, chất lượng. Mặc dù lượng vải được quản lý bằng tem truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu và tiêu thụ trực tuyến chưa nhiều nhưng đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho đặc sản của tỉnh.

Chuyển đổi số tạo ra cơ hội song cũng đòi hỏi người dân áp dụng giải pháp canh tác phù hợp với xu thế tiêu dùng khi chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Cây vải của Hải Dương đã và đang được quy hoạch sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Người trồng vải dần loại bỏ suy nghĩ chạy theo số lượng, lạm dụng chất hóa học mà quan tâm tới sản xuất an toàn bằng cách sử dụng các sản phẩm chăm bón vi sinh. Trong vụ này, các mẫu vải ở vùng xuất khẩu đều có kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn với hơn 800 chỉ tiêu không còn tồn dư hoạt chất bảo vệ thực vật hoặc ở ngưỡng cho phép. Vì thế, vải Hải Dương đã tạo nên cơn sốt trên sàn thương mại điện tử và ở các thị trường khó tính dù giá bán ra luôn mức cao. Sản xuất sạch không những nâng cao giá trị quả vải mà còn duy trì bền vững nguồn lợi từ loại cây đặc sản này.

Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sản xuất vải của Hải Dương đang phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Dù là lĩnh vực thường áp dụng công nghệ hiện đại sau song nông nghiệp Hải Dương đã bắt nhịp nhanh với xu thế mới, phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Quả vải sẽ mở đường để các nông sản khác của tỉnh xóa bỏ được những rào cản trong sản xuất và tiêu thụ đã tồn tại lâu nay.

DŨNG CƯỜNG