"Ta hỏi ngươi cần gì?", đề văn tuyển sinh lớp 10 khơi nguồn cảm hứng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 22:10, 19/06/2021

Đề văn tuyển sinh lớp 10 của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đặt ra câu hỏi cho học sinh, chạm vào cảm xúc của nhiều em trong buổi thi ngày 19.6.

Ta hỏi ngươi cần gì?, đề văn tuyển sinh lớp 10 khơi nguồn cảm hứng - Ảnh 1.

Học sinh xem lại đề sau buổi thi tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh: CHU HÀ LINH

Phần 2 của đề thi, chiếm 6 điểm, đưa ra đoạn ngữ liệu sau:

"Ta hỏi một con chim: Ngươi cần gì? Chim trả lời: Ta cần bay. Một con chim được ăn kê béo trong lồng sẽ trở thành một con gà bé bỏng tội nghiệp và vô dụng.

Ta hỏi dòng sông: Ngươi cần gì? Sông trả lời: Ta cần chảy. Nếu một dòng sông không chảy thì chỉ là một vũng nước, khô cạn dần và biến mất.

Ta hỏi con tàu: Ngươi cần gì? Con tàu trả lời: Ta cần được ra khơi. Nếu con tàu không ra khơi, nó chỉ là một vật biết nổi trên mặt nước và sẽ chìm dần theo thời gian (Trích "Những câu hỏi không lãng mạn" - Nguyễn Quang Thiều).

Và đề đặt ra yêu cầu: "Với câu hỏi "Ngươi cần gì?", câu trả lời của em là...?".

Dù thời gian làm bài thi giảm xuống còn 60 phút (giảm một nửa so với đề thi các năm trước), tương ứng với độ dài cũng giảm bớt nhưng theo nhiều phụ huynh, đây vẫn là một đề thi có "chất" của ngôi trường có áp lực đầu vào rất lớn này.

"Học rất nhiều về nghị luận văn học, về tác phẩm văn học trong chương trình lớp 9 nhưng lại không sử dụng", đó là nhận xét của nhiều học sinh và đây cũng là yếu tố bất ngờ đối với các em, trong đó có cả học sinh từng học lớp 9 ở ngôi trường này.

Ta hỏi ngươi cần gì?, đề văn tuyển sinh lớp 10 khơi nguồn cảm hứng - Ảnh 2.

Đề thi môn văn tuyển sinh vào lớp 10 do Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tổ chức ngày 19.6

"Học sinh khi gặp đề này có thể sẽ thở hắt ra và nghĩ hóa ra không cần cày xới nhiều quá theo kiểu ôn luyện về tác phẩm, về các phom đề quen thuộc. Như thế tôi thấy cũng hay là sẽ hạn chế kiểu học vẹt. Nhưng để làm tốt, học sinh vẫn phải có kỹ năng theo yêu cầu của chương trình. Tôi thấy cách ra đề mới. Ở phần nghị luận xã hội có độ mở để những học sinh có kỹ năng làm bài tốt, có hiểu biết các vấn đề xã hội và tư duy độc lập" - một giáo viên dạy văn Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ.

Theo một số giáo viên ở Hà Nội, đề thi này có khác biệt và bất ngờ là thay vì yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội, đã yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội dài 1,5 trang. Đây cũng là phần thi có số điểm cao. Học sinh Hà Nội được ôn luyện kỹ năng viết đoạn nhiều nhưng không quen với viết cả bài nên lúng túng.

Nhưng bù lại, nội dung câu hỏi đặt ra khá thú vị, gần gũi với những điều trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt có khá nhiều câu chuyện cảm động, thú vị, thể hiện một lựa chọn sống ý nghĩa để học sinh liên hệ.

"Đề không hỏi suy nghĩ của em về đoạn ngữ liệu mà hỏi trực diện "câu trả lời của em là...", có nghĩa muốn học sinh trình bày về lựa chọn của chính mình để sống có ý nghĩa.

"Tôi thấy con hào hứng với đề văn nghị luận xã hội", một phụ huynh nhận xét. Còn Vân Anh, một học sinh vừa dự thi, cho biết: "Trong thời gian ôn thi con đã đọc nhiều câu chuyện trên báo chí về những tấm gương sống có ý nghĩa ngay trong thời gian diễn ra đại dịch. Ở trường cũng có nhiều hoạt động theo hướng vượt lên khó khăn, sống hữu ích trong thời gian đại dịch nên con dễ liên tưởng và có cảm hứng. Nhưng đây là đề mở nên chắc học sinh sẽ viết rất khác nhau".

Thêm một đề văn có ý nghĩa, khơi dậy cảm hứng chứng tỏ một đề thi không chỉ nhằm sàng lọc, phân định đỗ đạt mà còn là một bài học, một trải nghiệm cho học sinh chuẩn bị bước sang một chặng đường mới. Cách "dạy văn là dạy người" cũng thể hiện trong nhiều đề thi như thế này.

Ngày 19.6, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tổ chức kỳ thi riêng tuyển sinh lớp 10 với ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ trong cùng một buổi sáng với thời gian rút gọn ở cả ba môn thi.

Theo Tuổi trẻ