Vai trò xung kích của các chiến sĩ thông tin trên mặt trận chống dịch: Bài 2: Dòng chảy thông tin không thể bị đứt gãy

Tin tức - Ngày đăng : 14:16, 21/06/2021

Giữa hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra, các cơ quan báo chí đã có những nỗ lực vượt bậc, đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với hoàn cảnh “bình thường mới”.

>>>Bài 1: Ở đâu có thông tin, ở đó có đội ngũ phóng viên


Phóng viên là lực lượng xung kích trên mặt trận chống COVID-19 đảm bảo thông tin thông suốt, chính xác, nhanh nhạy

Trong một năm rưỡi qua, dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong cuộc chiến chống dịch, nhiều cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin, bài về mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế-xã hội, phản ánh những mô hình vượt khó của doanh nghiệp, tổ chức; những cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế khó khăn…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh rằng báo chí đã góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người.

Vai tro xung kich cua cac chien sy thong tin tren mat tran chong dich hinh anh 1
Phóng viên đi vào tâm dịch trong bộ trang phục bảo hộ

Để có thể làm được như vậy, các tòa soạn, cơ quan báo chí đã có những nỗ lực vượt bậc, đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với hoàn cảnh “bình thường mới.”

Báo in chuyển hướng làm việc từ xa

Tháng 4 năm 2020, Báo Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam) phải ngừng xuất bản báo in trong hai tuần vì có một phóng viên dương tính với SARS-CoV-2.

Nhà báo Vũ Thu Hà, trợ lý Tổng Biên tập cho hay phóng viên F0 đã tiếp xúc với rất nhiều người trong tòa soạn, bao gồm cả Tổng Biên tập. Tất cả những người này vô tình trở thành F1, F2 và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cách ly, dẫn đến những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là việc xuất bản báo in.

“Ban lãnh đạo chưa chuẩn bị kế hoạch cho việc thành lập khẩn cấp tòa soạn dã chiến ở bên ngoài trụ sở. Vì vậy, dù không hề mong muốn, chúng tôi vẫn buộc phải ngừng in báo trong vòng 2 tuần”, nhà báo Vũ Thu Hà cho biết. 

Ngay khi quyết định được đưa ra, dù đang trong diện phải cách ly, các phóng viên, biên tập viên vẫn làm việc không ngừng để tin bài liên tục được cập nhật trên phiên bản điện tử, độc giả của báo vẫn được cập nhật tin tức hàng ngày dù không được đọc báo giấy.

Từ kinh nghiệm đó, tòa soạn đã triển khai hình thức làm việc tại nhà, chuẩn bị mọi điều kiện kỹ thuật cần thiết để có thể trực, duyệt báo in từ xa mà không cần ngồi tại tòa soạn, đảm bảo cho việc duy trì ấn phẩm một cách đều đặn trong tình huống xấu nhất.

Vai tro xung kich cua cac chien sy thong tin tren mat tran chong dich hinh anh 2
Nhóm phóng viên Báo Việt Nam News tác nghiệp

Là tờ báo tiếng Anh, phục vụ đối tượng độc giả là người nước ngoài, Báo Việt Nam News đã đối mặt với khó khăn chưa từng có trong lịch sử khi đường bay thương mại quốc tế bị đóng cửa.

Đội ngũ sáng tạo của Việt Nam News đã chuyển hướng, chú trọng phát triển các bản tin đa phương tiện, thay vì chỉ tập trung vào báo in.

“Chúng tôi đầu tư sản xuất các sản phẩm video dưới dạng Mutex để phù hợp với việc phát trên nền tảng mạng xã hội cũng như báo điện tử. Cụ thể, những video đều có thời lượng ngắn, lời dẫn cô đọng, súc tích, nội dung đa dạng, bắt mắt để thu hút người xem,” nhà báo Vũ Thu Hà cho biết.

Bên cạnh việc thực hiện những đề tài phục vụ tiêu chí của một tờ báo đối ngoại quốc gia, các phóng viên cũng thực hiện những đề tài nhẹ nhàng hơn, phản ánh đời sống dân sinh và đặc biệt là những đề tài hợp thị hiếu của các độc giả nước ngoài nhằm thu hút được nhiều người xem và theo dõi trên mạng xã hội.

Truyền hình chia đôi lực lượng

Khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, phóng viên các cơ quan báo chí khác có thể phỏng vấn qua điện thoại, nhưng truyền hình thì bắt buộc phải có hình ảnh. Để hạn chế tiếp xúc, phòng tránh lây nhiễm, các phóng viên đã có sáng kiến là nhờ nhân vật tự ghi hình tại nhà.

Vai tro xung kich cua cac chien sy thong tin tren mat tran chong dich hinh anh 3
Phóng viên tác nghiệp trong đêm

Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Quang Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn (VNews), đây chỉ là một phương án cực chẳng đã.

“Đây là một sự sáng tạo để thích ứng với hoàn cảnh nhưng lại có nhiều hạn chế. Đó là phóng viên không thể chủ động khi phỏng vấn, không đảm bảo chất lượng hình ảnh. Thực tế có rất nhiều clip gửi về không đạt tiêu chuẩn chất lượng về ánh sáng, âm thanh, góc quay…, biên tập viên mất rất nhiều công sức chỉnh sửa”, nhà báo Nguyễn Quang Vũ cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, phóng viên VNews cố gắng thực hiện các cuộc phỏng vấn online, ghi hình trực tiếp qua các ứng dụng. Trong quá trình phỏng vấn, phóng viên vẫn có thể quan sát được khuôn hình, có sự điều chỉnh kịp thời để chất lượng hình ảnh tốt hơn…

Ngay từ khi đợt dịch bắt đầu, Ban Giám đốc VNews cũng đã kích hoạt cơ chế làm việc 2 vòng, chia đôi lực lượng. Theo đó, các phóng viên hiện trường ở “vòng ngoài,” được bố trí phòng làm việc dã chiến tại trụ sở để xử lý hậu kỳ. Những người ở “vòng trong” gồm các phóng viên, biên tập viên không phải tác nghiệp tại hiện trường. Nhóm phóng viên ở 2 vòng không tiếp xúc với nhau để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Vai tro xung kich cua cac chien sy thong tin tren mat tran chong dich hinh anh 4
Các phóng viên tác nghiệp bất chấp mọi hoàn cảnh khó khăn

Là phóng viên vòng ngoài, anh Nguyễn Văn Bình đã tới nhiều vùng dịch để ghi hình. Anh cho hay nếu không thực sự dấn thân, anh sẽ không bao giờ biết được cảm giác hụt hẫng khi cả một thành phố chìm trong yên lặng khi bị phong tỏa, sự đau xót của những người nông dân khi thấy rau củ chất cao như núi mà không bán được, những chiếc xe cứu thương xếp hàng chờ để đưa người vào bệnh viện dã chiến…

“Lãnh đạo Trung tâm luôn động viên tinh thần và hỗ trợ để chúng tôi có thể tác nghiệp trong điều kiện tốt nhất có thể. Phóng viên được trang bị đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, micro không dây, đặc biệt là tấm bọc mic đúng quy chuẩn giúp thu tiếng rõ nét, không bị lẫn tạp âm như lúc chúng tôi tự bọc bằng túi nilong,” anh Bình cho biết.

Dù còn nhiều trở ngại, nhưng Ban Giám đốc VNews luôn khuyến khích mọi người giữ tinh thần: “Khó khăn gấp đôi, quyết tâm gấp ba,” phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin của Kênh Truyền hình thiết yếu quốc gia.

Thành lập tòa soạn dã chiến

Ngày 9.6, khi tòa nhà trụ sở cơ quan Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa để khử khuẩn do có ca F1, ban lãnh đạo tờ báo đã nhanh chóng đưa ra quyết định thành lập tòa soạn dã chiến tại nhà riêng của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập.

Vai tro xung kich cua cac chien sy thong tin tren mat tran chong dich hinh anh 5
Tòa soạn dã chiến của Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Trước đó, ban lãnh đạo đã chuẩn bị cho tình huống cơ quan có nhiều người bị cách ly, hoặc trường hợp trụ sở bị phong tỏa, trong đó có cả phương án lập tòa soạn dã chiến, ở ngoài trụ sở cơ quan. Do đó, khi Tổng Biên tập ra quyết định, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ, tòa soạn dã chiến đã được thiết lập với những thiết bị cần thiết.

“Chúng tôi đặt ra 4 yêu cầu, một là không để gián đoạn bất kỳ một số báo in nào trong mọi hoàn cảnh, hai là không vì một trường hợp nào bị nhiễm bệnh hay cách ly mà ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, ba là lập ra tòa soạn dã chiến thì phải đảm bảo rằng nếu toàn bộ kíp trực này bị cách ly thì sẽ có kíp khác thay thế, bốn là thời gian xuất bản báo in và báo điện tử không được trễ hơn bình thường”, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Với áp lực đó, cả tòa soạn mỗi người một việc đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của mình với tốc độ kỷ lục. Nhà báo Nguyễn Đức Hiển khẳng định rằng ở mỗi khâu, nếu người thực hiện cẩn thận làm tốt vai trò của mình thì sẽ tiết kiệm thời gian và công sức cho nhóm trực tại tòa soạn dã chiến.

“Ca trực đầu tiên tại toà soạn dã chiến đã diễn ra trơn tru, không có một trục trặc nhỏ nào. Sáng ra, cầm trang báo trên tay mà nhân viên bưu điện mang tới, chúng tôi có cảm xúc rất đặc biệt. Chúng tôi đã vượt qua rất nhiều những khó khăn và cản trở của hoàn cảnh lẫn sự hồ nghi tự thân để làm được điều đó”, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết.

Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tinh thần sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, khắc phục hoàn cảnh của tòa soạn Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

“Những người làm báo đã đưa được các ấn phẩm của mình đến với bạn đọc trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Tôi cho rằng đó là minh chứng cho sự hiệu quả của việc chuyển đổi số”, ông Dũng nhận xét.

Duy trì tinh thần lạc quan, sáng tạo

Khác với các đồng nghiệp trong nước, tác nghiệp ở địa bàn nước ngoài và lại trong bối cảnh dịch bệnh đã mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho các nhà báo thường trú của Thông tấn xã Việt Nam.

Theo nhà báo Trần Ngọc Long, Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Phnom Penh (Campuchia), để duy trì một tinh thần thép chiến đấu với mọi tình huống thì trước tiên, người làm nghề phải có những suy nghĩ lạc quan và tích cực để tránh bị stress, tỉnh táo trong các tình huống tác nghiệp để giữ sức khỏe cho chính mình.

Vai tro xung kich cua cac chien sy thong tin tren mat tran chong dich hinh anh 6
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tác nghiệp tại sự kiện phong tỏa và khử khuẩn Bệnh viện Bạch Mai tối 28.3.2020

Với một thứ virus vô hình và lây lan nhanh, dường như không còn khái niệm vùng dịch hay tâm dịch nữa vì ở đâu cũng có thể bị lây nhiễm. Các phóng viên buộc phải thích nghi với tình hình mới để hoàn thành nhiệm vụ, dù điều đó là rất khó khăn, nguy hiểm.

“Tôi cảm giác rằng, mọi thứ bắt đầu đảo lộn, khó lường. Kể từ tháng Ba thì công việc của cơ quan thường trú thay đổi hoàn toàn, các cuộc tiếp xúc phỏng vấn, giao ban, họp báo đều bị đình hoãn, chỉ có thể giao tiếp qua tin nhắn và email trong khi chúng tôi vẫn phải đảm bảo hoàn thành khối lượng thông tin hàng ngày,” nhà báo Trần Ngọc Long cho biết.

Nhà báo Trần Ngọc Long ý thức được sự nghiêm trọng của tình hình trong một lần tác nghiệp tại cửa khẩu biên giới Khánh Bình-Chrey Thom vào tháng 4/2020. Khu vực giáp huyện An Phú (tỉnh An giang) thường ngày đông đúc, tấp nập là thế, vậy mà lần đầu tiên anh chứng kiến cửa khẩu vắng lặng đến lạ kỳ.

Đứng trên cầu Khánh Bình, chỉ có một tiếng gà trưa, vài âm thanh tivi đâu đó phát ra trong không gian tĩnh mịch. Nhìn về quê hương, nhà báo Trần Ngọc Long rưng rưng nỗi nhớ nhà… Việt Nam ngay đó mấy bước chân nhưng vì dịch bệnh mà bỗng trở nên xa cách muôn trùng, bởi người ta không thể bước qua biên giới bằng hộ chiếu, visa du lịch như trước.

Sau những giây phút lắng lòng, anh lại tự dặn mình phải lạc quan, mạnh mẽ để sống khỏe mạnh và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với trách nhiệm là một Trưởng Cơ quan thường trú, nhà báo Trần Ngọc Long đã cùng các phóng viên thực hiện nhiệm vụ truyền tải thông tin về Tổng xã một cách nhanh chóng, chính xác nhất trong những ngày dịch bệnh vẫn đang hoành hành trên đất nước Chùa Tháp.

Theo Vietnam+

-------------------
Bài 3: Đổi mới và thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”