Cẩn thận vàng thau lẫn lộn khi du học tại chỗ

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:03, 21/06/2021

Từ năm 2020, khi dịch bùng phát, du học tại chỗ thu hút thí sinh hơn. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định dừng gần 200 chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thanh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, con gái lỡ cơ hội đi du học, thay vào đó, quyết định đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học (ĐH) RMIT Việt Nam (chi nhánh của ĐH RMIT, Australia). Con đã trúng tuyển cơ sở của trường tại Hà Nội.


Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế tại Trường ÐH Kinh tế, ÐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát

Thí sinh chọn chương trình liên kết tăng

Sự lựa chọn của người học đã tạo điều kiện các trường quốc tế tại Việt Nam “ăn nên làm ra”. Từ số liệu thống kê có kiểm chứng, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho biết, năm 2020, trong top 15 trường ĐH có doanh thu lớn nhất Việt Nam, ĐH RMIT Việt Nam đứng thứ nhất với 1.853 tỷ đồng, tuy quy mô chỉ 10.000 sinh viên (quy mô sinh viên bằng 1/4 ĐH Cần Thơ, chưa bằng 1/3 ĐH Bách khoa Hà Nội).

Theo ông Tùng, năm 2020 là năm khó khăn cho các trường ĐH Úc trong đại dịch Covid-19 khi phụ thuộc nhiều vào sinh viên du học. Lợi nhuận của ĐH RMIT Việt Nam đã góp phần làm giảm lỗ của ĐH RMIT, từ lỗ 73 triệu AUD còn 56 triệu AUD trong năm tài chính 2020.

Bên cạnh các trường ĐH quốc tế có mặt tại Việt Nam, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế của các trường ĐH trong nước cũng được nhiều thí sinh lựa chọn.

Ông Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết 3 năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chương trình liên kết đào tạo của Viện tăng 100%.

Những năm trước, số lượng thí sinh đăng ký và trúng tuyển không chênh nhau nhiều, nhưng gần đây, thí sinh trúng tuyển chỉ chiếm 50% trong tổng số thí sinh đăng ký. Đặc biệt, năm 2020, viện có 1.200 thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tại ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và đào tạo quốc tế, cho biết tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển chương trình đào tạo liên kết quốc tế năm 2020 tăng 130% so với năm 2019.

Dừng gần 200 chương trình liên kết

Theo Bộ  Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), khoảng 190.000 sinh viên Việt Nam đang du học ở các bậc khác nhau, trong đó 96,5% là du học tự túc. Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có lượng du học sinh thuộc top 10 tại nhiều quốc gia.

Vừa qua, Bộ GDĐT quyết định dừng gần 200 chương trình liên kết đào tạo quốc tế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Hiện 70 trường ĐH trong nước cung cấp 452 chương trình quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó 50 chương trình thuộc các cơ sở nhận đầu tư nước ngoài, 50 chương trình là kết quả của hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các quốc gia khác và 352 chương trình liên kết do các trường ĐH trong nước quản lý.

Trên thực tế, một số trường ĐH Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo quốc tế nhưng lại cố gắng “bản địa hóa” nhiều nhất có thể về đội ngũ nhân viên, giảng viên có thể dạy bằng tiếng Anh và cơ sở vật chất, do vậy làm giảm chất lượng chương trình đào tạo liên kết so với chương trình ở trường đối tác quốc tế, thậm chí không đáp ứng được kì vọng như hứa hẹn.

Mười năm trở lại đây xảy ra một số vụ việc đình đám liên quan các chương trình hết hạn nhưng vẫn tiếp tục tuyển sinh, hoặc sinh viên học chương trình 4 năm mà không biết rằng kết quả được nhận là chứng chỉ (certificate), chứ không phải bằng cấp (degree).

PGS.TS Vũ Thị Hiền, ĐH Ngoại thương, cho hay, phụ huynh, thí sinh hiện có nhiều kênh để kiểm tra chất lượng đào tạo các chương trình liên kết để tránh rủi ro về sau, nên những chương trình kém chất lượng đã giảm rất nhiều. Bản thân các trường ĐH trong nước cũng phải tìm cách giữ thương hiệu nên rất thận trọng khi ký kết với trường đối tác.

Theo ông Đồng Xuân Đảm, người học cần lưu ý một số thông tin trước khi đăng ký xét tuyển. Đó là tìm hiểu xếp hạng, kiểm định của trường đối tác trong bảng xếp hạng trong nước sở tại và quốc tế; quá trình đào tạo có sự sàng lọc hay không; thời gian chương trình tồn tại ở Việt Nam; số lượng sinh viên theo học; yêu cầu đầu vào như thế nào. Theo ông Đảm, đây là những thông tin cơ bản để xác định chất lượng một chương trình liên kết đào tạo. “Không có chương trình nào chất lượng tốt mà đầu vào lại dễ, quá trình đào tạo vào bằng nào ra bằng đó”, ông nói.

Nhìn chung, du học tại chỗ cho sinh viên Việt Nam đang là một xu hướng phát triển, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và các nước hạn chế đi lại. Vấn đề là phần lớn chương trình liên kết thuộc lĩnh vực kinh tế, quản trị, marketing, du lịch - khách sạn, do đó, việc lựa chọn ngành học của sinh viên bị hạn chế.

Theo Bộ GDĐT, hệ thống giáo dục bậc cao còn rất nhiều “đất” như công nghệ thông tin, kỹ thuật, công nghệ sinh học, xã hội nhân văn... và các chương trình liên kết quốc tế cần được đa dạng hóa theo hướng đó.

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và đào tạo quốc tế, Trường ÐH Kinh tế, ÐH Quốc gia Hà Nội, khuyên sinh viên du học tại chỗ lưu ý về vị thế, uy tín, xếp hạng trường ÐH; chất lượng và kiểm định của chương trình; tỷ lệ phần trăm giảng viên giữa Việt Nam và nước ngoài; chất lượng đội ngũ giảng viên; quyền lợi của người học so với mức học phí của chương trình; môi trường học và chất lượng dịch vụ.

Theo Zing