Cam go cuộc chiến với thông tin xấu, độc

Chính trị - Ngày đăng : 18:22, 21/06/2021

Vấn nạn thông tin xuyên tạc, sai sự thật ngày càng phức tạp đòi hỏi các nhà báo phải không ngừng nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực sự là lực lượng tiên phong trên mặt trận thông tin.


Từ đầu năm 2021, báo Hải Dương mở chuyên mục "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" thường xuyên đăng các bài viết đấu tranh, phản bác những thông tin xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch

Nhiễu loạn thông tin

Những năm gần đây, tình trạng các đối tượng phản động, bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng những vấn đề, sự việc nhạy cảm, phức tạp để đăng tải các bài viết sai sự thật trên không gian mạng gây mất ổn định chính trị có xu hướng gia tăng. Chỉ riêng trong năm 2020, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phối hợp phát hiện trên 120 tài khoản mạng xã hội, bài viết có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu gỡ bỏ bài viết đối với 43 trường hợp.

Điển hình là vụ việc lợi dụng mâu thuẫn, khiếu kiện tại xã An Phượng (Thanh Hà) liên quan đến hoạt động của nhà máy nước sạch ở địa phương, một số đối tượng đã đăng tải bài viết, đơn thư khiếu kiện thiếu khách quan lên mạng xã hội. Nhiều đối tượng còn liên tục phát trực tiếp (livestream), làm thơ, vè để lôi kéo người dân phản đối chính quyền trên Facebook và chia sẻ vào các nhóm. Thông tin mang tính kích động đã lôi kéo không ít người dân có phản ứng, hành động thái quá, cực đoan. Vụ việc gây mất an ninh trật tự tại địa phương trong nhiều tháng và 6 đối tượng đã phải lĩnh 129 tháng tù vì tội gây rối trật tự công cộng.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các vụ việc đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật cũng gia tăng. Cùng với những thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh còn có cả những nội dung xuyên tạc, phủ nhận sự cố gắng, kết quả phòng chống dịch bệnh của tỉnh Hải Dương. "Các bệnh viện ở Hà Nội đang bị nhiễm dịch nhiều”, “Điều hài hước là dù thời đại 4.0 nhưng vẫn có người tin Việt Nam chữa được Covid-19” chỉ là hai trong số rất nhiều thông tin xuyên tạc liên quan đến dịch Covid-19 bị lực lượng công an trong tỉnh xử lý. Trung tá Phạm Hữu Măng, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết: "Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của tổ chức, cá nhân, gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội mà thiệt hại tài sản do những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội cũng rất lớn. Trong vài năm gần đây, số tiền mà người dân trong tỉnh bị lừa đảo chiếm đoạt qua mạng xã hội lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, công tác phòng chống, nhất là vai trò của các cơ quan báo chí chính thống trong việc đi đầu, chiếm lĩnh môi trường truyền thông trên internet rất quan trọng".

Vai trò của nhà báo

Trước tình hình trên, các cơ quan báo chí của tỉnh đã có nhiều giải pháp chủ động ngăn chặn, đấu tranh với thông tin xuyên tạc, sai sự thật, nhất là trên môi trường mạng. Cùng với các loại hình báo chí truyền thống, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã chú trọng thông tin trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube... để tiếp cận tới đông đảo bạn đọc, người xem. Báo Hải Dương có mục: Từ thông tin bạn đọc, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có các chuyên mục: Đảng trong cuộc sống, Góc nhìn nội chính, Hộp thư truyền hình... thường xuyên có tin, bài đấu tranh, phản bác những thông tin xuyên tạc, chống phá. Các cơ quan báo chí cũng mở những đợt cao điểm tuyên truyền khi có các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh. Trong năm 2020, các cơ quan báo chí và tạp chí trong tỉnh đã có trên 100tin bài, phóng sự tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

Nhà báo Đinh Mạnh Tú, Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương nhận định các cơ quan báo chí của tỉnh đã thể hiện và khẳng định vai trò rất quan trọng nắn chỉnh, làm sạch dòng thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thông tin hiện nay đòi hỏi các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Thực tế cho thấy việc thu hút bạn đọc, người xem trên môi trường mạng của các cơ quan báo chí còn hạn chế. Điều này có thể thấy rõ khi so sánh lượt theo dõi, like, chia sẻ giữa các trang Facebook của các cơ quan báo chí chính thống với các trang không có cơ quan chủ quản. Muốn làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh đầu tư, thay đổi và nâng cao hiệu quả thông tin trên internet.

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để đấu tranh với vấn nạn tin giả, tin xấu độc thì việc phòng chống từ sớm, từ xa rất quan trọng. Các nhà báo cần thực sự sâu sát với cuộc sống để chủ động cung cấp thông tin chính thống định hướng dư luận, cảnh báo mọi người không rơi vào các bẫy thông tin, nhất là trên mạng xã hội. "Mỗi nhà báo phải luôn tự trau dồi kiến thức xã hội, kỹ năng nghiệp vụ để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ và sự bùng nổ thông tin hiện nay. Cùng với vai trò của người làm báo thì các nhà báo cần làm tốt vai trò công dân khi sử dụng mạng xã hội, không đăng tải, chia sẻ, like những thông tin thiếu kiểm chứng. Thông tin chính thống được lan tỏa từ mỗi nhà báo sẽ góp phần quan trọng chống lại thông tin sai sự thật", đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định.

HOÀNG BIÊN