Vai trò xung kích của các chiến sĩ thông tin trên mặt trận chống dịch: Bài 3: Đổi mới và thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”
Tin tức - Ngày đăng : 20:11, 21/06/2021
>>> Bài 2: Dòng chảy thông tin không thể bị đứt gãy
>>>Bài 1: Ở đâu có thông tin, ở đó có đội ngũ phóng viên
Trang thiết bị bảo hộ phòng chống lây nhiễm luôn được Ban Biên tập Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam) cập nhật, bổ sung để trang bị đầy đủ cho phóng viên, biên tập viên
Ở Việt Nam, dù dịch bệnh đã bùng phát nhiều đợt, nhưng mỗi đợt đều được khống chế, kiểm soát theo cách mà hiếm có nơi nào trên thế giới thực hiện được, đó là kiềm chế số ca nhiễm ở mức khá thấp, hạn chế lây lan trong cộng đồng, chữa trị thành công cho hầu hết các trường hợp bị nhiễm, không để xảy ra “vỡ trận” do dịch…
Để có được thành công này, phải kể đến vai trò to lớn của báo chí. Mặc dù, cũng như nhiều ngành nghề khác, kinh tế báo chí cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh mang lại, các tòa soạn cũng hết sức chật vật để duy trì hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ.
Các tòa soạn lao đao vì ''cơn bão” COVID-19
Nói về sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với báo chí trong nước, tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận đại dịch này đã tạo ra một tác động tiêu cực lớn chưa từng thấy từ trước đến nay.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông cho hay cơ quan báo chí là đơn vị doanh nghiệp đặc biệt, chịu tác động của dịch không kém gì các ngành kinh tế khác, bởi báo in không bán được, doanh nghiệp không có khả năng quảng cáo, dẫn tới nguồn thu sụt giảm. Ngoài ra, báo chí cũng mất nguồn thu từ các hoạt động tổ chức sự kiện, nguồn thu từ các nền tảng sản phẩm của mình.
Ông khẳng định các cơ quan báo chí giảm 60-70% nguồn thu, trong đó những đơn vị dựa vào bán báo in và quảng cáo là sụt giảm mạnh nhất.
Không chỉ báo in, các thể loại khác như báo hình, báo nói, báo điện tử cũng đều chịu chung tác động. Tuy nhiên, các tòa soạn vẫn phải trả lương, nhuận bút cho lực lượng nhân sự tác nghiệp liên tục mỗi ngày.
“Đây cũng đang là bài toán nan giải của rất nhiều Tổng Biên tập các cơ quan báo chí. Thực tế ở thời điểm hiện tại, báo chí rất cần sự hỗ trợ về chính sách để có thể vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này”, ông Trần Bá Dung nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho biết những năm gần đây, báo chí trong nước đã gặp khó khăn do phải chia sẻ thị phần quảng cáo với các nền tảng mạng xã hội, nay có dịch bệnh lại càng khó khăn gấp bội.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
“Các phóng viên báo chí không chỉ đương đầu với những khó khăn kinh tế do dịch bệnh mang lại mà còn gặp khó khăn khi tác nghiệp, bởi nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Nhiều cơ quan báo chí đang đối mặt với khó khăn lớn về mặt phát hành, phải nợ lương, nhuận bút, tiền công in, trong khi đó vẫn phải tiên phong trên mặt trận chống dịch”, ông Lợi cho hay.
Trong bối cảnh đó, năm 2020, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị cho phép những cơ quan có quỹ phát triển sự nghiệp được sử dụng để trang trải chi phí trả lương nhân viên, mua thiết bị tác nghiệp cũng như được nợ thuế, giãn thuế và phóng viên báo chí được đưa vào nhóm tuyến đầu được tiêm vaccine.
Vượt khó để sáng tạo
Tiến sỹ Trần Bá Dung khẳng định các cơ quan báo chí tự thích ứng rất nhanh khi đối mặt với khó khăn. Nhiều báo đã cắt giảm các hoạt động, chi phí không cần thiết, chuyển đổi mô hình hoạt động sao cho tiết kiệm nhất. Nhiều tờ báo tìm cách tăng nguồn thu bằng việc thu phí nội dung chất lượng cao như VietnamPlus, Ngày nay và Vietnamnet.
“Hình thức thu phí báo chí đã phổ biến trên thế giới, nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. Tôi ủng hộ những tờ báo tiên phong thu phí bởi đó là việc phù hợp với xu thế, đánh giá cao công sức của người viết, khiến người đọc có thói quen đọc báo có trách nhiệm hơn, trân trọng thông tin hơn,” ông nói.
Tiến sỹ Trần Bá Dung đánh giá cao sự sáng tạo, linh hoạt của đội ngũ phóng viên. Ông cho rằng sự dấn thân và đóng góp của các nhà báo không hề thua kém các chiến sỹ công an, bộ đội, các y bác sĩ.
“Họ đều dũng cảm, có trách nhiệm cao nhất với công việc của mình, đều phải gác lại việc gia đình và những lý do cá nhân để vào chiến trường. Tôi đánh giá cao và trân trọng sự hy sinh của họ”, ông chia sẻ.
Tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: NVCC
Tiến sỹ Trần Bá Dung nói thêm rằng báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin, không chỉ đưa tin nhanh chóng, phản ánh tình hình dịch bệnh mà còn chiến đấu chống lại tin giả khiến dư luận hoang mang.
“Báo chí đi đầu trong việc phổ biến ý chí, quyết tâm, chủ trương của lãnh đạo nhà nước đến người dân đồng thời phản ánh những tấm gương điển hình trên mặt trận chống dịch”, ông nhận xét.
Trên cương vị là Trưởng ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, ông trăn trở về vấn đề đào tạo, tập huấn kỹ năng tác nghiệp cho phóng viên trong hoàn cảnh thiên tai dịch bệnh.
“Tác nghiệp trong thiên tai, thảm họa đòi hỏi phóng viên cần có kiến thức, kỹ năng tác nghiệp riêng, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, họ cũng xứng đáng có chế độ lương thưởng, nhuận bút riêng vì đặc thù công việc hiểm nguy, vất vả”, ông đề xuất.
Cũng theo ông Dung, Hội nhà báo Việt Nam đã có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp. Hội cũng đang tiến hành xây dựng nội dung đào tạo trong trường đại học, tập trung vào kỹ năng tác nghiệp trong hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Bởi theo ông Dung, không phải ai cũng làm được mảng này, cần có sự đào tạo chuyên nghiệp ngay từ trong nhà trường.
Nhà nước đồng hành, hỗ trợ báo chí
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết trước những khó khăn và biến động về kinh tế-xã hội do đại dịch gây ra, Chính phủ cũng đã có nhiều quyết sách chưa từng có để khẳng định cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ vực dậy nền kinh tế, động viên những nỗ lực chung của toàn xã hội, trong đó có báo chí.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí trình bày báo cáo chuyên đề về kinh tế báo chí trong hội nghị năm 2020
Riêng Bộ Thông tin và truyền thông đã chủ động dành 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách được cấp năm 2020 để đặt hàng đối với hàng chục cơ quan báo chí sản xuất tin, bài về phòng chống đại dịch COVID-19. Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định giao 58 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để tiếp tục đặt hàng các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
“Nguồn kinh phí này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều cơ quan báo chí đang gồng mình để tồn tại trong hoàn cảnh đại dịch và xu hướng suy giảm nguồn thu quảng cáo”, ông Lâm nói.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình Chính phủ một đề án lớn, thực hiện trong 5 năm tới, nhằm hỗ trợ báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, với nhiều đề xuất mang tính đột phá trong cách nghĩ, cách làm.
Theo ông Thanh Lâm, nếu được phê duyệt đi vào thực hiện, đây sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho việc Chính phủ luôn hài hòa giữa nhu cầu quản lý và phát triển báo chí. Quy hoạch báo chí gắn với những giải pháp căn cơ về quản lý và phát triển sẽ giúp cho nền báo chí Việt Nam có hành lang pháp lý rõ ràng, có nguồn lực để phát triển đúng hướng, lành mạnh, giúp người làm báo chân chính có thể sống được bằng nghề.
“Dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò của truyền thông chính thống lớn và quan trọng như thế nào trong việc tuyên truyền về kỹ năng phòng chống dịch, cập nhật thông tin để nâng cao ý thức phòng chống dịch trong nhân dân, từ đó góp phần quan trọng vào thành công chung của cả hệ thống chính trị”, ông Lâm khẳng định.
Theo Vietnam+