Những tờ báo “độc, lạ” trên thế giới

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 20:45, 21/06/2021

Trên thế giới có nhiều tờ báo ngoài chức năng thông tin còn kiêm cả thức ăn, khăn tay, khăn trải bàn...

Báo kiêm thức ăn

Ở Mỹ và Canada phát hành những tờ “Báo bánh lớp”. Người ta dùng phẩm màu ăn được in lên các lớp bánh tráng mỏng, qua xử lý vô trùng sẽ mang xuất bản. Bạn đọc xem xong một trang là có thể ăn ngay trang đó, tức là có thể hấp thụ từ báo cả “món ăn tinh thần” lẫn “món ăn vật chất”.

Báo kiêm khăn tay

Tây Ban Nha có tuần báo “Khăn tay” là báo được in trên khăn với những thứ mực không độc và dễ tẩy. Sau khi xem xong tin tức, bạn đọc có thể giặt sạch để dùng loại báo này làm khăn tay.

Báo kiêm khăn trải bàn

Thủ đô Paris của Pháp hằng ngày có xuất bản tờ “Báo muối ớt” chuyên phục vụ các nhà hàng, quán cà phê để dùng làm khăn trải bàn. Báo sử dụng mực không độc, in trên giấy không thấm nước, dành cho khách hàng bận rộn hoặc đang chờ món ăn, thức uống có thể đọc được tin tức trong ngày, giúp họ vừa tiết kiệm thời gian vừa không tốn tiền mua báo. Hôm sau, “khăn” này được lột đi để thay bằng “khăn” mới xuất bản của ngày hôm đó.

Báo chỉ đăng bài về sự lập dị, điên rồ

Tạp chí “Điên rồ” (Mad) phát hành ở Mỹ năm 1950 khá thu hút bạn đọc vì chỉ loan báo những tin tức và viết về sự kiện lập dị, điên rồ. Hiện báo phát hành mỗi kỳ hơn 300.000 bản và được nhiều người thích.

Báo chỉ có một người làm

Ông Diphela Hamat hiện 68 tuổi, một thượng nghị sĩ của Jordan đã sáng lập và vẫn đang làm tuần báo “Tin phóng viên” dày 16 trang đăng đủ các loại về chính trị, du ký, tiểu phẩm, thơ châm biếm… Một mình ông kiêm nhiệm mọi công việc của tờ này, từ lấy tin, viết bài đến biên tập, quản lý, phát hành… và mỗi tuần ông phải viết khoảng 250.000 từ.

Báo dành cho triệu phú

Tạp chí nổi tiếng Doanh nhân của Mỹ gần đây cho phát hành đặc san “Triệu phú” (The Milionnaire) chỉ dành cho bạn đọc là người giàu tầm cỡ triệu phú trở lên. Robert White, Tổng Biên tập tạp chí cho biết ý tưởng xuất bản đặc san mang tên “Triệu phú” được ông nuôi dưỡng từ lâu và ông đã đặt mối quan hệ với 457.000 triệu phú, 353 tỷ phú cùng 2.500 quý tộc ở châu Âu. Những người này giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn khởi đầu của đặc san. Hiện nay, số lượng phát hành mỗi tháng của “Triệu phú” đã lên tới 160.000 bản.

Báo truyền hình

Tờ báo truyền hình đầu tiên trên thế giới được lưu hành ở bang Ohio (Mỹ) mang tên “Tin nhanh”. Người xem chỉ cần nhấn lên phím chọn, báo liền hiện trên màn hình kèm theo tiếng đọc cùng hình ảnh. Mỗi giờ xem tốn 5 USD.

Báo bằng bánh ga tô

Kỷ niệm 125 năm ngày ra đời tờ “Người quảng cáo Honolulu” ở Hawaii (Mỹ), người ta đã cho xuất bản tờ báo khổng lồ bằng bánh ga tô, với kích thước tương đương 4 bàn bóng bàn ghép lại, đủ cho nhiều người ăn. Các nhà làm bánh đã dùng ca cao, bơ và mứt để in chữ, vẽ hình… mừng tờ báo 125 tuổi.

Báo quảng cáo thơm

Người đọc khi mở mục quảng cáo trong tờ “Thời báo Chartanuta” ở bang Tennessee (Mỹ) sẽ luôn thấy thơm nức các hương vị khác nhau, tương ứng với mùi của sản phẩm được báo này quảng cáo.

Báo không cần bán

Nhà báo Pelle Anderson đã sáng lập tờ Metro tại Thủ đô Stockholm của Thụy Điển năm 1995. Báo này nhanh chóng thu hút đông đảo bạn đọc do đưa tin ngắn gọn, súc tích, nội dung đa dạng, bổ ích và đặc biệt là báo được phát miễn phí cho bạn đọc. Báo dày 40-60 trang, phát hành 250.000bản mỗi ngày và có tới hàng trăm phóng viên, cộng tác viên. Tất cả mọi chi phí để tờ báo không cần bán này tồn tại đều nhờ vào số tiền quảng cáo thu được khá cao.

ĐẶNG ĐỨC (st)