Vaccine không phải chiếc đũa thần

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 24/06/2021

Nếu chúng ta chủ quan không thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì ngay người đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã từng phát hiện 53 ca nhiễm Covid-19 là nhân viên trong bệnh viện. Trong đó, có tới 52 người đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine phòng SARS-CoV 2. Thông tin này đã làm dấy lên sự lo lắng về tác dụng phòng chống dịch bệnh của vaccine. Đây là thái cực hoàn toàn trái ngược với sự lạc quan, cho rằng chỉ cần có đủ vaccine là có thể đẩy lùi dịch bệnh, không cần tới các biện pháp khác nữa. Cả hai quan điểm cực đoan này đều có những điểm không chính xác, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng nổ trên thế giới, các hãng dược phẩm lớn và các quốc gia đã ráo riết nghiên cứu điều chế vaccine phòng bệnh, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Nước ta đã sớm bắt tay vào nghiên cứu để sản xuất vaccine và đang thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3. Cũng trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng cũng tích cực trao đổi, đàm phán và vận động, tiếp xúc với Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, nhà sản xuất, nhà cung ứng vaccine trên thế giới để có thể mua, tiếp nhận viện trợ vaccine. Nhờ vậy, đến nay, theo Bộ Y tế, chúng ta đã tiếp cận được với 150 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn và từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều. 

Những thành quả trong đàm phán nguồn cung và nghiên cứu vaccine đó cộng với tâm lý lo lắng, mệt mỏi khi phải giãn cách xã hội, công việc đình trệ do dịch bệnh khiến nhiều người cho rằng chỉ cần có vaccine là sẽ hoàn toàn đẩy lùi được dịch bệnh, giúp cuộc sống trở lại bình thường. Chính suy nghĩ này làm một số người chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng dịch khác. Trong khi thực tế, vaccine chỉ là một trong những giải pháp đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta vẫn cần kết hợp với những biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện quy định 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Mặc dù là biện pháp phòng chống dịch quan trọng và hữu hiệu nhưng không phải vaccine là chiếc đũa thần làm bệnh dịch sẽ biến mất hoàn toàn. Nếu chúng ta chủ quan không thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì ngay người đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Theo các chuyên gia y tế, vaccine Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì sau tiêm, phải ít nhất 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ nhất mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức rất thấp. Sau khi tiêm mũi thứ hai từ 1 tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất nhưng cũng chỉ ở mức 60-90% tùy từng loại vaccine. 

Khi thấy có người đã tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh, một số người nảy sinh tâm lý nghi ngờ, cho rằng vaccine không có tác dụng lớn trong phòng chống dịch cộng với lo lắng sự rủi ro nên không muốn tiêm phòng. Tuy không có hiệu lực 100% nhưng vaccine vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa dịch bệnh này và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.

Các cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi cả hai trạng thái cực đoan là trông chờ hoàn toàn vào vaccine mà lơ là các biện pháp phòng dịch khác và không tin tưởng vào tác dụng của vaccine. Cần nâng cao hiểu biết của người dân đối với cơ chế hoạt động, tác dụng của vaccine nói chung, vaccine phòng ngừa Covid-19 nói riêng. Khi đại bộ phận người dân có nhận thức đầy đủ, chính xác, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tự nguyện tiêm vaccine khi đến lượt thì nhiều khó khăn trong đẩy lùi dịch bệnh sẽ dần được tháo gỡ.

THÁI HÒA