Ấn tượng về vải thiều Việt Nam trên xứ sở socola

Kinh tế - Ngày đăng : 11:27, 24/06/2021

Kể từ ngày 23.6, lô vải thiều Việt Nam đầu tiên đã được lên kệ tại siêu thị Carrefour của Bỉ.


Ông Weiss, quản lý siêu thị Carrefour Tongres, Brussels và lô vải thiều Việt Nam

Đây là nỗ lực của công ty Vinamex và các đối tác trong nước nhằm đưa đặc sản trái cây của Việt Nam sang châu Âu, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi.

Tại siêu thị Carrefour Tongre, gần trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels, bên cạnh các loại quả như xoài, cerise, đào, mận… còn có một loại trái cây nhiệt đới đặc biệt: vải thiều Thanh Hà của Việt Nam. Đây không phải lần đầu tiên siêu thị này nhập bán quả vải, nhưng trước đây toàn nhập hàng từ Madagasca, Nam Phi và Australia vào khoảng tháng 11-12 hàng năm. Trong khi đó, trái vải tươi Việt Nam thơm ngon chỉ xuất hiện tại đây vào mùa hè.

Trao đổi với phóng viên, ông Weiss, phụ trách siêu thị Carrefour Tongre cho biết: “Khi xem ảnh trái vải Việt Nam của Công ty Vinamex, tôi thích luôn vì thấy quả tròn và đều. Đến khi được ăn thử thì càng tuyệt. Chưa bao giờ tôi được ăn loại quả nào ngon như thế và tôi quyết định sẽ nhập bán để người dân Bỉ được biết đến một loại quả tuyệt vời của Việt Nam”.

Từng có nhiều năm sống và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và biết nhiều loại trái cây nhiệt đới, nhưng đây là lần đầu tiên ông Weiss được thưởng thức vải thiều Thanh Hà của Việt Nam. Cảm giác đọng lại trong ông là quả vải Thanh Hà to, tròn đều, căng mọng, có hạt nhỏ và vị ngọt đậm khác hẳn các loại vải khác mà siêu thị Carrefour Tongre đã nhập về trước đây. “Khi ăn quả vải thiều Việt Nam, tôi thấy rất ấn tượng và muốn quảng bá rộng rãi loại trái cây đặc biệt này cho người tiêu dùng Bỉ”, ông Weiss hào hứng chia sẻ, đồng thời bày tỏ tin tưởng sẽ có nhiều người tiêu dùng thích loại quả này khi họ được biết đến hương vị của nó.

Ông Weiss đã quyết định nhập 100 kg vải thiều để phân phối cho 5 siêu thị Carrefour mà ông phụ trách. Vải được bán với giá 25 €/kg, khá cao so với các loại trái cây khác. Theo ông Weiss, để giữ trái vải được tươi lâu hơn, Việt Nam cần phát triển công nghệ sau thu hoạch.

Đối với chị Lý Mỹ Quỳnh, người phụ nữ Hà Nội sống ở nước ngoài từ hơn 20 năm nay, mãi đến  mùa hè này chị mới lại được thưởng thức trái vải thiều của quê hương. Được thưởng thức hương vị quê nhà ở ngay giữa “trái tim châu Âu” đã gợi lại cho chị Quỳnh rất nhiều cảm xúc. Chị Quỳnh cho biết hàng năm khi các con được nghỉ hè, gia đình chị vẫn đưa cả nhà về thăm Việt Nam nhưng khi đó mùa vải đã kết thúc nên suốt 20 năm qua chị không hề được ăn bất kỳ trái vải thiều nào.

Chị Lan Hương sống tại Brussels từ 10 năm nay thì lại được mệnh danh là “fan” của vải thiều, bởi ngay ngày đầu tiên Vinamex xuất vải sang Bỉ, chị đã đến “khuân” luôn 36 kg và hôm nay lại đến mua tiếp 4 kg nữa. “Tôi mua vải để tặng bạn bè vì họ sống tại những thành phố khác nhau của Bỉ, không có cơ hội lên Brussels mua trái vải. Ở nhà tôi, tôi để vải đầy tủ mát với gần 20 kg để ăn dần cho vơi đi nỗi nhớ thứ trái cây mà tôi vô cùng yêu thích từ thủa nhỏ”, chị Hương tâm sự.

Hiệp định EVFTA được thực thi đã mở đường cho nông sản Việt Nam vào châu Âu. Để trái vải thiều có mặt tại Brussels không thể không kể đến nỗ lực của một số doanh nghiệp người Việt tại châu Âu. Anh Hoàng Văn Cả là một ví dụ. Công ty của anh phối hợp với một công ty ở Cộng hòa Séc nhập 1 tấn vải thiều Lục Ngạn để phân phối cho khoảng 10 thị trường của EU. Trong tuần trước, công ty Vinamex nhập 500 kg vải đầu tiên của mình nhưng đã bán “hết veo” chỉ trong 2 ngày. Theo chị Minh Liên, Giám đốc Vinamex, công ty này sẽ nhập lô vải thiều tiếp theo vào tuần tới và sau đó sẽ nhập nhãn lồng Hưng Yên. Chị tin chắc rằng, cũng như quả vải, nhãn lồng Hưng Yên sẽ gây tiếng vang trên đất nước nổi tiếng về socola.

Theo TTXVN