Làm hồ sơ căn cước công dân gắn chip, Công an Hải Dương về đích đầu tiên toàn quốc

Chính trị - Ngày đăng : 14:04, 24/06/2021

Mặc dù triển khai dự án cấp căn cước công dân gắn chip chậm hơn so với các địa phương khác trong cả nước và ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Hải Dương đã vượt qua khó khăn để về đích đầu tiên.


Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội,Công an tỉnh tổ chức cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động tại Công ty TNHH May Tinh Lợi


Theo chỉ tiêu Bộ Công an giao, đến ngày 30.6.2021, Công an tỉnh phải thu nhận 988.200 hồ sơ căn cước công dân gắn chip. Nhờ vận dụng đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát đợt 3, đợt 4 trên địa bàn tỉnh, đến ngày 14.5.2021, Công an tỉnh đã tiếp nhận 991.830 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, vượt 3% chỉ tiêu giao, về đích đầu tiên trên toàn quốc và sớm hơn 47 ngày so với chỉ tiêu Bộ Công an giao.

Mặc dù triển khai thực hiện dự án cấp căn cước công dân gắn chip chậm hơn 15 ngày so với các địa phương khác trên cả nước do dịch bệnh nhưng với quyết tâm chính trị cao, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thượng tá Phạm Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo việc cấp căn cước công dân gắn chip ngay từ những ngày đầu. Ban Giám đốc Công an tỉnh coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nên ngoài thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, còn trực tiếp kiểm tra đột xuất các đơn vị bất kể ngày hay đêm”.

Công an huyện Thanh Hà là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu về tiến độ cấp căn cước công dân gắn chip trên địa bàn tỉnh. Để đạt được kết quả này, Trung tá Vũ Văn Khải, Phó Trưởng Công an huyện cho biết: “Lãnh đạo Công an huyện đã huy động thêm cán bộ từ các lực lượng khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trên cơ sở đó, bố trí, chia tổ cấp căn cước công dân hợp lý, bảo đảm phát huy được tính chuyên môn hóa cao của từng bộ phận, từng công việc".


Người dân đến làm căn cước công dân gắn chip tại xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ)


Trong thời gian thực hiện dự án cấp căn cước công dân, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội toàn tỉnh đã tăng ca 18 tiếng/ngày, chia làm 3 ca, mỗi ca 6 tiếng, có những ngày làm việc thông trưa, xuyên đêm. 

Song song với cấp căn cước công dân cố định tại trụ sở tiếp dân, Công an tỉnh còn tổ chức lưu động tại UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp. Khi triển khai cấp lưu động, lực lượng đã phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở làm tốt việc điều tra cơ bản, nắm người, nắm hộ, làm sạch dữ liệu trong kho dữ liệu dân cư; đồng thời chuẩn bị đủ số cán bộ, máy móc, thiết bị… để thu nhận hồ sơ đạt hiệu quả nhất.  

Công an tỉnh cũng đã xây dựng kịch bản, phương án chi tiết thực hiện cấp căn cước công dân gắn chip theo tiến độ từng ngày, bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình dân cư từng nơi dự kiến tổ chức cấp. Hằng ngày, các đơn vị báo cáo kết quả thu nhận căn cước công dân về Ban Chỉ đạo Công an tỉnh theo 3 khung giờ để lãnh đạo theo dõi sát tiến độ, kết quả thực hiện, kịp thời đề ra biện pháp và tăng cường thêm lực lượng cho những đơn vị đạt kết quả thấp.

Khi thời tiết nắng nóng, để tạo thuận lợi cho nhân dân và đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân gắn chip, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố mở cửa tiếp dân đến làm thủ tục từ 6 giờ sáng, sớm hơn giờ hành chính mùa hè 1 giờ.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện, một tổ kỹ thuật đặc biệt đã được Công an tỉnh thành lập để kịp thời hướng dẫn, xử lý nhanh các sự cố liên quan đến hệ thống máy móc, thiết bị cấp căn cước công dân gắn chip. Mặc dù Hải Dương tổ chức cấp căn cước công dân gắn chip trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng chống dịch vẫn luôn bảo đảm. 

Với tinh thần trách nhiệm cao, Công an tỉnh đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, chủ động, quyết liệt trong thực hiện để về đích sớm nhất toàn quốc, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao.

PHƯƠNG THÙY