Đoàn Nhữ Hài – vị tướng bình Chiêm không mất một mũi tên
Danh nhân - Ngày đăng : 08:58, 26/06/2021
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại câu chuyện Đoàn Nhữ Hài viết bài biểu để cứu giúp Trần Anh Tông thoát cơn giận giữ của Thượng hoàng Trần Nhân Tông (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Viết biểu giúp vua thoát tội
Đoàn Nhữ Hài là một trong số ít danh thần nhà Trần nắm trọng quyền khi tuổi đời còn rất trẻ. Ban đầu, ông được bổ quan do có công giúp vua Trần Anh Tông thoát khỏi một cơn giận giữ của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bằng cách soạn giúp vua một bài biểu. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, mặt khắc 6 ghi lại câu chuyện này rằng: Bấy giờ Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì uống rượu xương bồ say khướt. Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ thìn đến giờ tỵ. Cung nhân dâng bữa, Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là Quan gia ở đâu? Cung nhân vào trong nội đánh thức nhưng ngài không tỉnh. Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
Đến giờ mùi (1 - 3 giờ chiều), vua mới tỉnh, cung nhân đem việc ấy tâu lên. Vua sợ quá, đi rảo ra khỏi cửa cung không thấy ai coi giữ; qua chùa Tư Phúc, thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa. Vua hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?”. Nhữ Hài vội vàng lạy rạp xuống đất tâu: “Thần vì mãi học, đi lỡ ra đây”. Vua bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo:
“Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu”.
Nhữ Hài đứng trước mặt vua, soạn xong tờ biểu. Vua bèn lấy thuyền nhẹ đi ngay, cho Nhữ Hài theo mình.
Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không nói gì.
Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi: “Người ở trong sân có còn đấy không?”. Nội nhân đáp rằng còn. Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào bảo: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”.
Vua rập đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi: “Ai soạn biểu cho ngươi”.
Vua thưa: “Đó là thư sinh Đoàn Nhữ Hài”.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn Đoàn Nhữ Hài đã soạn xong tờ biểu, với lời lẽ khẩn thiết, đầy ân hận cùng thái độ chân thành của người dâng biểu, Thượng hoàng đã tha tội cho vua Anh Tông còn Đoàn Nhữ Hài được phong làm Ngự sử trung tán, khi đó mới chỉ tròn 20 tuổi.
Vị quan đầu tiên không lạy chúa Chiêm Thành
Mặc dù bị nhiều người đố kỵ, đàm tiếu vì tuổi còn quá trẻ, lại không thuộc hàng tôn thất, nhưng nhờ tài năng của mình, Đoàn Nhữ Hài đã được vua tin dùng và bổ dụng những chức vụ quan trọng. Ngay bản thân Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng thường bảo với những người hầu cận rằng: “Nhữ Hài quả là người học giỏi, đáng được nhà vua sai khiến”.
Khi Đoàn Nhữ Hài được vua phái đi sứ Chiêm Thành, ông đã làm được một việc khẳng định được thể diện của Đại Việt đó là không lạy chúa Chiêm. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 41 ghi việc này rằng: Trước đây sứ thần nước ta sang sứ đều lạy chúa Chiêm Thành trước, rồi mới mở đọc chiếu thư; lần này khi Nhữ Hài sang đến nơi, vào thẳng trước án để tờ chiếu yên định xong, nhân bảo chúa Chiêm Thành rằng: “Từ khi tôi vâng mệnh triều đình đem thiên chiếu sang đây, đã lâu không được chiêm vọng thanh quang nay mở chiếu thư ra, không khác gì đứng trước thiên nhan”. Nói xong, liền lạy thẳng vào tờ chiếu thư, dẫu chúa Chiêm Thành có đứng ở bên cạnh, nhưng lấy danh nghĩa là lạy chiếu thư, để tỏ rõ ý không chịu khuất phục. Sau này, các sứ thần sang sứ Chiêm Thành mà không phải lạy chúa Chiêm, là từ Nhữ Hài trước.
Việc làm này của Đoàn Nhữ Hài đã được vua Trần hết lời khen ngợi và ông được cử giữ chức Tham tri chánh sự, kiêm Khu mật viện. Chức vụ quan trọng này thường chỉ giao cho người trong tôn thất.
Chiêu dụ vua Chiêm
Năm Nhâm Tí (1312), Đoàn Nhữ Hài nhận chức Chiêu dụ sứ đem quân đi trước sang đánh Chiêm Thành. Khi đến trại Chiêm, ông đã dùng kế chiêu dụ được vua Chiêm là Chế Chí giúp nhà Trần bình định được Chiêm Thành mà không mất một mũi tên.
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, mặt khắc 28 ghi lại rằng: Mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về; phong em hắn là Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu trấn giữ đất ấy. Trước đó, Chế Chí sai người sang cống. Người ấy là trại chủ Câu Chiêm. Vua sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với hắn. Đến khi vua đích thân đi đánh, đến phủ Lâm Bình, chia quân làm ba đường: Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn theo đường núi, Nhân Huệ Vương Khánh Dư theo đường biển, vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ, cùng tiến. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước.
Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng... Vua nguôi giận, sai chia quân đi tuần các bộ lạc. Người Chiêm tụ tập định đánh vào ngự doanh. Tiếng voi đã gần, quân sĩ có vẻ lo sợ. Được vài hôm, quân của Huệ Vũ Vương tự tìm đường mà tới, người Chiêm chạy tan. Trận này không mất một mũi tên mà Chiêm Thành bị dẹp, đó là công sức của Nhữ Hài.
Đến thời vua Trần Hiến Tông, biên giới phía tây của Đại Việt bị Ai Lao quấy nhiễu. Đoàn Nhữ Hài được cử làm Đốc tướng. Vì nghĩ rằng Ai Lao là nước yếu nên ông chỉ mang quân Thần vũ và quân Nghệ An vào trước. Khi đến ấp Nam Nhung, gặp quân giặc, hai bên giao chiến. Lúc ấy sương mù mờ mịt, giặc đã mai phục sẵn voi ngựa từ trước, hai cánh quân đánh khép lại. Quan quân nhà Trần bị ngã xuống sông, chết mất quá nửa, trong số đó có cả Đoàn Nhữ Hài.
Sau này, vị vua thứ tư của triều Nguyễn là Tự Đức, cảm kích trước tài năng và công lao của Đoàn Nhữ Hài, vua đã làm bài thơ về ông. Có thể nói, Đoàn Nhữ Hài là danh thần đặc biệt trong lịch sử triều Trần, con đường quan lộ của ông tuy không qua thi cử nhưng trong suốt cuộc đời làm quan, ông luôn cố gắng làm tốt những công việc được vua giao phó, sẵn sàng nhận nhiệm vụ gian lao, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
THƠM QUANG