Điện Kremlim: Suy diễn về mối đe dọa từ Nga là phi lý và có hại
Tin tức - Ngày đăng : 09:33, 26/06/2021
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov. (Nguồn: tass.com)
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 25.6 nêu rõ quan điểm của các quốc gia Baltic và Ba Lan - vốn đang tiếp nhận các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lãnh thổ của các nước này, trong khi suy diễn về mối đe dọa từ Nga - là phi lý và có hại.
Người phát ngôn trên nói: “Thật đáng tiếc, chúng tôi nhận được thông tin rằng nhiều quốc gia đã phản đối đối thoại (với Nga) tại hội nghị thượng đỉnh hôm qua. Chúng tôi biết rằng đây chủ yếu là những quốc gia thành viên mới trong Liên minh châu Âu (EU), cụ thể là các nước Baltic và Ba Lan. Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa rằng chúng tôi lấy làm tiếc về sự việc này.”
Ông Peskov nhấn mạnh: “Đây là những quốc gia thường xuyên đưa ra các tuyên bố vô căn cứ về sự tồn tại của một số mối đe dọa đối với họ từ Liên bang Nga. Đây là những quốc gia đang làm mọi cách để tiếp nhận càng nhiều lực lượng từ NATO và các nước khác, đặc biệt là từ Mỹ, càng tốt. Vì vậy, tình trạng bế tắc sẽ xuất hiện”.
Quan chức Điện Kremlin khẳng định: “Một mặt, các quốc gia này đang nói về một mối đe dọa, nhưng mặt khác, họ đang chứa chấp các lực lượng vũ trang nước ngoài trên lãnh thổ của mình, do đó gây nguy hiểm cho chính họ ở mức độ nghiêm trọng hơn. Trên hết, họ đang từ chối tổ chức đối thoại. Theo quan điểm của chúng tôi, lập trường này là phi logic. Hơn nữa, lập trường này là có hại nếu xét đến những triển vọng dành cho tương lai”.
Ông Peskov cũng tuyên bố Moskva lấy làm tiếc về việc EU từ chối tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga và đưa ra các biện pháp trừng phạt mới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hôm 24.6 ở Brussel (Bỉ), Đức và Pháp đã đề xuất EU họp thượng đỉnh với Nga. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhanh chóng bị gạt sang một bên do bất đồng giữa các nước thành viên.
Đề xuất và ý tưởng của Đức và Pháp đã vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, đặc biệt là các nước ở Đông Âu. Đại diện các nước này cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh khi có vấn đề tích cực để thảo luận.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu ngày 25.6 sau Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lấy làm tiếc khi hội nghị không thể mang lại các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo EU với Tổng thống Nga Vladimir Putin, song bà cho biết EU sẽ tìm kiếm những định dạng mới cho việc đối thoại này.
Tuyên bố kết thúc hội nghị thể hiện sự cứng rắn và đe doạ trừng phạt của EU đối với Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel không giấu giếm thực tế rằng, ngoài những đe dọa trừng phạt, bà cũng mong muốn EU tiến hành đối thoại với Tổng thống Putin, chẳng hạn để tìm kiếm cơ hội hợp tác nhiều hơn trong bảo vệ khí hậu và các vấn đề khác.
Bà nêu rõ: "Cá nhân tôi thích một bước đi dũng cảm hơn trong vấn đề này".
Theo bà Merkel, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa gặp người đồng cấp Nga để thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi. Từ quan điểm đó, EU cũng nên tìm ra các định dạng để đối thoại với Nga, bởi EU cũng muốn có một "quan điểm thống nhất trong mối quan hệ với Nga".
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh không nên xem việc tiến hành đối thoại với Tổng thống Nga như vậy là hình thức ban thưởng hay không ban thưởng, bởi ngay cả trong Chiến tranh Lạnh với những điều kiện khó khăn nhất, các kênh đối thoại vẫn tồn tại.
Theo TTXVN