Hồng Ánh: Chồng tôi không ghê gớm như khi phê bình văn học
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 07:03, 28/06/2021
Ở tuổi 44, Hồng Ánh bất ngờ trở lại với phim truyền hình sau 10 năm vắng bóng. Vai Hạnh trong “Cây táo nở hoa” được “thượng đế” dành tặng nickname: “Chị dâu quốc dân”. Nhưng khi trò chuyện với Hồng Ánh, dành lời khen cho chị thì chị ngắt lời: “Phim có đến 70 tập, mới đi được một nửa mà. Hết sức bình tĩnh nhé!”.
Nhiều người ngắm con đường hoa hồng của Hồng Ánh thì thốt lên: “Tổ đãi”. Cô giáo Hạnh của “Trăng nơi đáy giếng” năm nào thừa nhận mình có may mắn, cũng được “tổ đãi” song gia tài chị hiện có phần lớn nhờ lao động không ngừng: “Tôi rất cần mẫn, có thể tôi không có thay đổi hay đột phá gây bất ngờ lớn cho khán giả nhưng tôi thấy mình là một con ong chăm chỉ. Cứ túc tắc, mỗi ngày gom góp một chút, cuối cùng cũng xây được cái tổ”.
Từ tình yêu văn chương
Hồng Ánh sinh ra trong một gia đình không ai theo nghệ thuật: “Bác Sáu làm nhà máy quân đội, bác Năm thì bóng đèn điện quang, cô Tư thì Thủy điện Hòa Bình, mẹ tôi làm thương nghiệp…”, chị giới thiệu. Còn cha Hồng Ánh từng làm giám đốc bưu điện nên thời thơ trẻ của chị thiếu ăn thì có, thiếu sách thì không, ký ức về sách của chị luôn đẹp… Cô giáo Hạnh đã lớn lên cùng “Bác sỹ Aibôlit”, “Hoàng tử bé”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Đất vỡ hoang”…
Hồng Ánh sở hữu gia tài phim ảnh khiến nhiều người ngưỡng mộ. Những vai diễn điện ảnh của chị, ai đã từng xem đều ám ảnh khôn nguôi, như Hạnh trong “Trăng nơi đáy giếng”, như người vợ nhỏ trong “Đời cát”, hay cô Giao trong “Thung lũng hoang vắng”… Đó là những nhân vật có diễn biến tâm lý phức tạp, phận đời không bình thường, thách thức sự hóa thân của diễn viên.
Nhưng Hồng Ánh rinh về những giải thưởng danh giá cho sự nghiệp diễn xuất của mình lại từ chính những vai diễn gai góc như thế: “Với tôi, con đường khám phá thế giới nội tâm phần lớn qua tác phẩm văn học. Tôi sinh năm 1977, khi đất nước đã thống nhất. Cho dù đi thực tế, gặp người thật việc thật nhưng sự chia sẻ của các cô, các chú cũng bị thời gian làm phôi pha, nhớ nhớ quên quên, vì tuổi tác, vì bệnh tật…. Các nhà văn viết về thân phận con người nói chung, người phụ nữ nói riêng trong thời chiến và hậu chiến giúp tôi mường tượng tốt hơn về nhân vật mình sắp hóa thân. Nếu không quan sát, không đọc, chỉ tìm hiểu trong kịch bản thì rất khó hình dung”, chị tâm sự.
Không ngại vất vả
Trong 25 năm làm nghề, cũng có lúc Hồng Ánh thấy chông chênh song chưa bao giờ chán nản hay chán ghét nghề đến nỗi muốn bỏ nghề. Không chông chênh sao được khi điện ảnh thị trường lên ngôi, điện ảnh nhà nước không bắt nhịp được với thị hiếu của khán giả. Bao nhiêu phim thị trường vắng bóng Hồng Ánh. Nhưng chị không để mình chìm trong những xáo động của thời thế, không để khán giả lãng quên, không cho phép mình ngừng nghỉ. Hồng Ánh còn một sân chơi khác: Sân khấu kịch.
Rồi khán giả lại đón nhận Hồng Ánh trong vai trò nhà sản xuất, đạo diễn. “Đảo của dân ngụ cư” chính là “đứa con đầu lòng” của đạo diễn Hồng Ánh. Không phải phim kéo khán giả tới rạp song “Đảo của dân ngụ cư” được người trong nghề đánh giá tốt. Khi “đem chuông đi đánh xứ người”, đứa con của Hồng Ánh không làm hổ danh người sinh ra nó. Từ tác phẩm đầu tay đã tạo tiếng vang nhưng không có thành công nào không đẫm mồ hôi: “Ai đã từng làm việc với tôi đều biết tôi chăm chỉ, lăn xả”, chị nói.
Từng là người đàn bà của “Trăng nơi đáy giếng”, “Đời cát”, “Thung lũng hoang vắng”… nên Hồng Ánh thấm vất vả của nghề: “Chúng tôi chỉ sướng hơn thế hệ cô Trà Giang vì không làm phim trong thời chiến tranh bom đạn trên đầu thôi. Những năm tháng ấy, diễn viên chia nhau ở trong nhà dân, ăn cơm có anh nuôi, chị nuôi nấu, ăn ngoài đồi cát, cứ khi gió thổi là cơm trộn với cát lào xào. Tắm thì tắm giếng, tắm suối. Có lúc cắm trại trong rừng, quay phim cùng người dân tộc, bị vắt, muỗi tấn công…”.
Nhưng Hồng Ánh lại xem những trải nghiệm ấy như những kỷ niệm đáng quí, như chiếc huy hiệu của thời thanh xuân rực rỡ: “Với tôi, đó là những ngày tháng hạnh phúc xứng đáng với tuổi trẻ của mình”.
Trở lại với bộ phim truyền hình 70 tập, “Cây táo nở hoa”, Hồng Ánh đủ nhạy cảm và kinh nghiệm để biết vai diễn của mình sẽ nhận được sự đồng cảm của khán giả, ngay từ khi mới đọc kịch bản: “Khán giả truyền hình phần lớn là chị em, những người nội trợ, những người về hưu, tiểu thương… Còn doanh nhân thì không có nhiều thời gian xem phim truyền hình. Lực lượng khán giả ấy thường chia sẻ, cảm thương với những thân phận, những mẫu phụ nữ như vậy”.
Hồng Ánh đã tham gia không ít phim truyền hình, vai diễn đầu tiên của chị chính là vai Bạch Vân trong bộ phim truyền hình của đạo diễn Lê Cung Bắc, “Người đẹp Tây Đô”. Khán giả còn thấy Hồng Ánh trong phần ba của “Mùi ngò gai” hay trong phim cổ trang “Lục Vân Tiên”… Đề tài gia đình ăn nên làm ra ở phim truyền hình cũng mở thêm cánh cửa cho những nghệ sỹ đã qua thời xuân sắc như Hồng Ánh hay Hương Bông (NSND Lan Hương).
Khán giả còn thấy Hồng Ánh trên gameshow. Năm 2018, chị góp mặt trong phim “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, bên cạnh những gương mặt trẻ như Hoàng Yến Chibi, Jun Vũ, Thanh Hằng… “Tháng năm rực rỡ” đạt doanh thu 85 tỷ đồng, từng lọt top 5 phim có doanh thu cao của điện ảnh Việt Nam, góp phần xóa định kiến, Hồng Ánh chỉ hợp với phim nghệ thuật, phim nhà nước rót vốn đầu tư. Chị còn dồi dào sáng tạo và khát khao khám phá.
Chỗ dựa của con nuôi
Nhận xét về người chồng nổi tiếng, doanh nhân, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, chị bảo: “Anh ấy không ghê gớm như trong phê bình, sống tình cảm với bạn bè, làm việc có nguyên tắc, có kế hoạch”. Có người nghĩ chị bất hạnh song Hồng Ánh không quan tâm: “Cuối cùng, sống cuộc đời của mình là quan trọng nhất. Tôi không chạy theo chuẩn của người khác đặt ra. Tôi đang hài lòng với hiện tại. Chuẩn hạnh phúc của người khác là phải có con cái hay có điều kiện hơn. Với tôi, còn có sức khỏe, được làm công việc yêu thích, thế là tốt rồi. Tôi không đòi hỏi sự công bằng và trọn vẹn”.
Ít người còn nhớ, Hồng Ánh có một người con nuôi, sau phim “Trăng nơi đáy giếng”. Đến nay, tình cảm của họ vẫn bền chặt như xưa. Hồng Ánh chính là chỗ dựa vững chắc của con nuôi: “Tên con là Hiếu Anh. Bây giờ đã học năm thứ 3, Đại học ngoại ngữ Huế. Con học ngành gì, quyết định cái gì cũng hỏi ý kiến mẹ Hạnh (vai diễn của Hồng Ánh trong “Trăng nơi đáy giếng”- PV). Hồi đóng “Trăng nơi đáy giếng” Hiếu Anh mới học lớp 6”, chị hào hứng chia sẻ về con nuôi.
Theo VTC