Chậm kê khai đàn vật nuôi, khó kiểm soát dịch bệnh và định hướng phát triển
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:18, 28/06/2021
Chủ động kê khai trong chăn nuôi sẽ giúp người dân phòng chống dịch bệnh. Trong ảnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ người dân tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò
Theo Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 1.1.2020) thì việc kê khai đàn vật nuôi là bắt buộc đối với hộ nuôi. Nhưng đến nay nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa thực hiện khiến công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh và định hướng phát triển sản xuất gặp khó khăn.
Người dân chủ quan
Ông Nguyễn Văn Tư ở xã Ứng Hoè (Ninh Giang) chăn nuôi hơn chục năm nay nhưng chưa bao giờ ông kê khai số lượng vật nuôi với chính quyền địa phương. Nguyên nhân là do số lượng vật nuôi tại gia đình ông thường xuyên biến động nên việc kê khai sẽ rất mất thời gian. "Gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ. Mỗi lần vào đàn chỉ từ 100-200 con gà. Tôi lại không nuôi gà thịt mà chỉ nuôi ươm khoảng 1 tháng là xuất bán nên tôi không chủ động kê khai với chính quyền".
Theo Luật Chăn nuôi thì việc kê khai hoạt động chăn nuôi của các cá nhân, hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi với UBND cấp xã là quy định bắt buộc. Song thực tế các cơ sở chăn nuôi tập trung mới thực hiện, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn bỏ ngỏ. Đây là nguyên nhân dẫn đến các số liệu thống kê về chăn nuôi của một số địa phương với các ngành chức năng có sự chênh lệch.
Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết dịch bệnh thường bắt nguồn và lây lan từ khu vực chăn nuôi nông hộ. Mặc dù huyện đã triển khai, đôn đốc từ rất sớm nhưng việc kê khai tổng đàn vật nuôi trên địa bàn vẫn rất khó khăn, do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ lớn, người dân không tự giác khai báo. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn và phương án đối phó khi dịch bệnh xảy ra.
Ngay sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, ngành nông nghiệp đã triển khai việc kê khai tới các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên đến tháng 6 này mới có 4 địa phương gửi báo cáo kê khai hoạt động chăn nuôi lên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Ông Lê Văn Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ chăn nuôi, thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) cho biết: "Người nuôi không chủ động kê khai sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý; đồng thời còn làm ảnh hưởng đến những chính sách điều tiết trong hoạt động chăn nuôi cũng như định hướng phát triển ngành chăn nuôi".
Hộ nuôi theo dõi đàn lợn qua hệ thống camera để phòng dịch tả lợn châu Phi
Đẩy mạnh tuyên truyền
Việc không kê khai hoạt động chăn nuôi của người dân sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ các hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh sẽ được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng đủ 4 điều kiện. Trong đó, có điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã). Để bảo vệ quyền lợi của bản thân, người dân cần thực hiện nghiêm túc theo các điều, khoản trong Luật Chăn nuôi.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết nguyên nhân khiến người nuôi không chủ động kê khai là do tập quán chăn thả tự do. Người nuôi mới chỉ nghĩ đến bản thân mà chưa quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền Luật Chăn nuôi vẫn còn hạn chế. Mới chỉ tập trung vào hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi mà chưa tuyên truyền sâu về những quy định mới. Chính quyền địa phương chưa quan tâm thỏa đáng tới hoạt động kê khai, trong khi hệ thống thú y cơ sở vừa mới thu gọn còn nhiều khó khăn.
Việc kê khai trong chăn nuôi không chỉ giúp nhà nước định hướng phát triển ngành chăn nuôi mà còn ổn định cung cầu và phòng chống dịch bệnh. Để Luật Chăn nuôi đi vào cuộc sống và công tác thống kê đàn vật nuôi mang lại hiệu quả cao, cơ quan chức năng cần đổi mới biện pháp tuyên truyền. Nêu cao tầm quan trọng trong phòng chống dịch bệnh để phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Đưa ra các chế tài cụ thể, đủ sức điều chỉnh nhận thức của người chăn nuôi.
ĐỖ QUYẾT